Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Tổng giám đốc Elite Việt Nam - cho biết: “Không thể nói rằng việc mọi người không đồng ý với việc 1 người chuyển giới tham dự cuộc thi Miss Universe cùng các cô gái khác là sự kỳ thị với cộng đồng LGBT nói chung, người chuyển giới nói riêng. Khi một người nam chuyển giới qua nữ thì chắc chắn sẽ phải làm phẫu thuật thẩm mỹ về ngực và chỉnh sửa một số thứ khác nữa. Nhưng thực ra, theo tôi hiểu thì khi chấm hoa hậu, Ban giám khảo cũng không chỉ chấm dựa trên tiêu chí là cô này ngực đẹp hơn cô kia mà là chấm dựa trên tổng hợp rất nhiều yếu tố. Trong đó có hình thể, nhan sắc, kỹ năng, cách ứng xử, hành vi nơi công cộng, tri thức… tức là một kỹ năng tổng hợp.
Trong câu chuyện cô gái chuyển giới người Tây Ban Nha này, có lẽ cô ấy đã giành được ngôi vị hoa hậu nhờ các yếu tố tổng hợp đó chứ không phải chỉ vì số đo các vòng cơ thể".
Bà Thúy Nga cũng phân tích thêm: "Thực ra, tôi không có thời gian xem kỹ những bức ảnh của cô gái này từ trước và sau phẫu thuật để biết chính xác là cô ấy đã có sự can thiệp thẩm mỹ trên tổng thể có quá lớn hay không. Ở các nước phát triển, trong cuộc thi hoa hậu của họ và kể cả là trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ hay Hoa hậu Thế giới… đều không có nội dung luật định nào cấm phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, vẫn có một luật ngầm luôn tồn tại là nếu một thí sinh mà chỉnh sửa quá nhiều thì họ sẽ không bao giờ được BGK chấm giải cao cả. Các cô có xinh đẹp lắm cũng chỉ vào top 15, top 10... Và để phân biệt thí sinh có phẫu thuật ít, phẫu thuật nhiều đến đâu thì họ đều có kỹ năng để nhận biết rất chính xác.
Vậy nên, nếu nói là tôi không ủng hộ hay ủng hộ thì đều không đúng hoàn toàn. Tôi chỉ có thể đưa ra các phân tích như vậy. Rằng chúng ta cần phải xem xét tổng thể là nếu trí tuệ cô ấy có, sự thông minh có, sự tỏa sáng có… thế thì cô ấy xứng đáng, chứ không cô gái nào có thể đăng quang chỉ vì có sự chỉnh sửa vòng 1 đẹp hơn các cô gái khác".
Cindy Thái Tài, 1 trong những nghệ sĩ chuyển giới đầu tiên của Việt Nam, với tiếng nói của người trong cuộc: “Tại sao không công nhận và chấp nhận cô ấy đi thi, trong khi cả thế giới đã và đang công nhận, chấp nhận, ủng hộ những người chuyển giới chúng tôi? Hiện nay luật ở nhiều nước trên thế giới đều đã công nhận, chấp nhận chuyển đổi tên tuổi và giới tính cho người chuyển giới về mặt giấy tờ. Và khi họ được mang giới tính nữ thì dĩ nhiên họ có mọi quyền lợi tương tự một người phụ nữ. Ở nhiều cuộc thi khác như The Face hay Next Top Model như tôi được biết thì họ đã không còn phân biệt gì nữa. Tôi đánh giá việc cô gái chuyển giới Tây Ban Nha tham gia Miss Universe 2018 chính là bước ngoặt quan trọng, là một tín hiệu xác nhận quyền lợi của người chuyển giới, đồng thời còn thể hiện sự văn minh, nhân ái trong ứng xử của cộng đồng với họ.
Á hậu Hoa hậu quý bà Hành tinh 2017 Trần Vân Anh khẳng định: “Tôi cho rằng nếu sắc đẹp cô ấy đủ khả năng ngang tài ngang sức với các hoa hậu khác thì chúng ta nên chúc mừng cho cô ấy nhiều hơn là phản đối. Cá nhân tôi lại không thấy có sự không công bằng gì ở đây cả, vì như tôi được biết các thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cũng không bị cấm cản vì can thiệp thẩm mỹ. Nếu các cô gái thật sự sửa được thì đừng nên kỳ thị cô ấy. Quan trọng là ngoài việc cô ấy là người chuyển giới thì chúng ta hãy đợi xem cô ấy sẽ làm được gì cho cộng đồng trong và sau cuộc thi nhé".
Nữ hoàng Trang sức 2015 Đặng Phạm Phương Chi chia sẻ những băn khoăn của mình: “Tôi nghĩ trên thế giới cũng đã có cuộc thi dành cho người chuyển giới rồi, nên người đẹp đến từ Tây Ban Nha sẽ rất thích hợp khi đến với cuộc thi dành cho cộng đồng mình. Còn cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ dành cho người không phẫu thuật hoặc phẫu thuật ít. Hầu hết người chuyển giới sau phẫu thuật thành công họ đều rất đẹp với vẻ đẹp khá hoàn hảo. Nên việc họ tham gia Hoa hậu Hoàn vũ có thể sẽ không công băng những thí sinh khác".