pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người đi ngang cửa
Ảnh minh họa
Những xe cà rem. Những gánh tàu hũ. Những bịch cơm rượu. Những thúng bánh cam. Những tiếng rao dài. Chẳng hiểu sao vẫn còn đầy nguyên trong suy nghĩ mỗi khi chợt thấy bóng dáng của những người đi ngang cửa. Họ đã dần thưa vắng giữa lòng phố xá nhộn nhịp nhưng vẫn đôi lần gây náo động hồi ức bởi những hình ảnh xưa cũ một thời.
Hồi đó tôi chừng lên tám, sự háo hức hồn nhiên dắt tay trẻ nít tìm đến những người lạ xa, bởi họ mang theo những thức bánh trái ngon lành mà chẳng cần phải chạy đâu xa xôi tìm kiếm. Một tiếng rao vẳng từ ngoài đầu ngõ cũng đủ đánh thức cái bóng giấc ngủ chập chờn, bởi nó mang theo sự khát thèm vị giác của đầu lưỡi non dại. Rồi thức dậy với những ánh nhìn mê mải và luống cuống chân sáo chạy theo nếu không muốn tiếc rẻ ngẩn ngơ vì những đôi chân tưởng chừng không biết mỏi. Nhiều khi chậm nhịp, đứng nhìn bóng dáng họ lầm lũi lách sang ngã rẽ bên kia đường, cũng có chút nuối tiếc lòng thành trẻ con nhưng lại dội lên ý nghĩ rằng mai họ sẽ quay lại, cũng giờ này đường này chỗ này, để rồi hẫng hụt vì những đôi chân vòng tròn vô định. Tôi có cảm tưởng họ đã đi một quãng rất xa, phải ghé đủ đầy các con đường, ngõ hẻm ở những nơi khác, xóm khác để phân phát niềm vui cho bọn trẻ nhỏ tuổi mình, sau đó mới lặp lại một vòng tuần hoàn từ chỗ cũ. Và sự chờ đợi nào cũng mang đến những xốn xang, từ chỗ những người lạ bỗng nhiên hóa thành những người thân quen lâu ngày không gặp. Cái tình cảm ấm áp đó không sao lý giải được.
Gặp được một người nghĩa là quen mặt một người, quen cả giọng nói và những cử chỉ thân thuộc mà chỉ có họ mới sở hữu. Tôi vẫn nhớ dáng tay thoăn thoắt và dứt khoát của ông già kẹo kéo, để rồi khi cầm trên tay mỗi đứa là những thanh kẹo đều nhau tăm tắp không ngờ. Nhớ dáng dì mua ve chai tính nhanh hơn máy, đôi khi trộm nghĩ có khi nào trong phút lơ đãng dì lỡ để mình tính sai?
Bằng cách đó, những thước phim ngày cũ tái hiện thời gian và không gian của những gương mặt xưa cũ, những người từng một thời gây xáo động một góc nhỏ vắng vẻ và yên bình của những cư dân xóm nghèo khi đi ngang cửa. Và có lẽ vì đi nhiều nơi, nhiều chỗ, nên nhiều khi họ còn đem theo những câu chuyện giang hồ mà mình đã từng kinh qua. Trẻ con thích nhất là được nghe kể chuyện, những câu chuyện càng ly kì, lạ lẫm càng gây phấn khích trí tưởng tượng non nớt của tụi nhỏ với đôi chân chỉ quẩn quanh xóm làng. Từ họ, tôi biết được thêm một số bài học dân gian lý thú, như bánh này thì làm từ bột này, đến mùa kia thì mới có trái kia, chỗ nọ thì có đặc sản nọ... Vậy là tự dưng nước miếng mình ứa ra bởi những thức quà chưa một lần chạm môi tới.
Giờ những người đi ngang cửa không còn nhiều, cũng như đã mang một vẻ mặt khác xưa. Họ lầm lũi và có phần cô đơn giữa hiện tại. Trẻ nít không còn chộn rộn hay đoái hoài gì đến những thức bánh trái mùa cũ, cũng chẳng hồ hởi với dăm ba đồng lẻ từ mấy bận thu mua ve chai. Tôi hay liên tưởng trong suy nghĩ rằng họ không còn đi bán niềm vui như một thời náo động xa ngái, mà bán lại hoài niệm cho những người lớn đã qua tuổi thiếu thời, giống mình. Và những khách hàng của họ cũng mang khuôn mặt ráng chiều, đã đăm chiêu và thắt thẻo khi nghĩ về những tháng ngày trẻ dại lúc đưa tay tới gần vành môi.
Đôi lần, muốn chạy đi tìm một thức bánh trái mùa xưa là đôi lần nhọc công hẫng hụt. Bởi còn mấy ai dành dụm thanh xuân mà buông thòng một lời rao vẳng giữa đất chật người thừa. Bạn bảo muốn ăn gì thì ghé hàng ghé quán, chi mà lặn lội kiếm tìm những người không thân. Ờ, bạn nói đúng nhưng mà mấy chỗ đó không có dư vị của những người cất công dậy sớm đội thúng, gánh thùng đi hết chỗ này chỗ kia, không có sự hồ hởi khát thèm khi chợt nghe một tiếng rao dài của những người đi ngang cửa. Nó khác lắm, bởi nó thuộc về hồi ức.
Như chiều nay, khi bắt gặp một người đi ngang cửa vô tình qua khu mình ở, mừng lắm. Nhưng rồi chạnh nghĩ một ngày nào đó xa xôi của tương lai, chẳng biết còn ai sẽ gợi dậy ký ức của mình từ những người không quen biết?