Người gác “kho tiền” thời 4.0 và cuộc chuyển đổi số “chan nước mắt”

Đỗ Hiếu (Thực hiện)
15/10/2020 - 20:10
Người gác “kho tiền” thời 4.0 và cuộc chuyển đổi số “chan nước mắt”

Chị Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước

Là 1 trong số 10 nhân vật có nhiều đóng góp vào hoạt động phát triển Mạng lưới lãnh đạo nữ do Hội LHPN Việt Nam khởi xướng, chị Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, được Hội LHPN Việt Nam vinh danh vì những đóng góp tích cực, góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị, thúc đẩy bình đẳng giới, đóng góp hiệu quả trong công tác Hội và phong trào phụ nữ.

phunuvietnam.vn đã có cuộc trò chuyện với "Nữ tướng" ngành Kho bạc xung quanh nội dung này.

+ Chúc mừng chị được vinh danh là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu trong công tác phát triển Mạng lưới lãnh đạo nữ. Việc ghi nhận những nỗ lực của chị nói riêng, tập thể nữ ngành Kho bạc nói chung nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam có ý nghĩa rất đặc biệt, cảm xúc của chị lúc này thế nào?

Những nỗ lực của cá nhân và tập thể những người làm công tác Kho bạc với đặc thù phần đông là phụ nữ được ghi nhận khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Điều hạnh phúc hơn là khi nhìn lại thành quả chặng đường hơn 1 thập kỷ người làm kho bạc, nhất là chị em đã bứt phá thành công từ hình ảnh "thủ kho trông két sắt" hay cô kế toán với đống chứng từ cao ngất thông thường tối ngày lo ôm giấy tờ, kiểm đếm… đến nữ nhân viên Kho bạc thanh lịch, trí tuệ, làm chủ được công nghệ quản lý thời nay. 

Đó cũng là giai đoạn gian nan nhất, nhiều thử thách nhất khi Kho bạc Nhà nước được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ và bắt tay thực hiện sứ mệnh lịch sử với việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), một cấu phần quan trọng của Dự án cải cách quản lý tài chính công do Bộ Tài chính chủ trì. 

Sau 14 năm, kể từ 2006 đến nay, thành công của TABMIS thay đổi căn bản nhiều hoạt động nghiệp vụ quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), Kho bạc nhà nước (KBNN) và là hiệu ứng để hiện đại hóa nền quản lý tài chính công với hàng loạt ứng dụng công nghệ thông tin có liên quan theo hướng cải cách, tập trung, hiện đại. 

Với bước ngoặt ban đầu là TABMIS, và nay là Dịch vụ công trực tuyến gần như 100% đến các đơn vị giao dịch liên quan đến NSNN, những cán bộ kho bạc nói chung, chị em phụ nữ hệ thống kho bạc nói riêng vươn lên làm chủ công nghệ, thực hành công việc chuyên môn ở một tầm cao mới, một phong cách làm việc mới với phương thức điện tử và hướng đến số hóa theo xu thế chung của quốc gia và toàn cầu, góp phần hội nhập quốc tế. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, để có được thành quả này, gần 8.000 cán bộ và gia đình chúng tôi đã trải qua những ngày tháng vô cùng gian nan tưởng chừng không thể vượt qua…

+ Vâng, những góc khuất ít khi được chia sẻ, chị có thể nói thêm về điều này được không?

Đó là những giai đoạn có thể nói những người cán bộ Kho bạc làm việc trong hoàn cảnh "chan nước mắt". 6 năm đằng đẵng (từ 2006 -2012) triển khai dự án TABMIS, đỉnh cao của những ngày dốc sức cho công việc, nhất là thời kỳ triển khai hệ thống trên phạm vi toàn quốc đến 1.500 cơ quan, đơn vị, không ít gia đình luôn trong cảnh vợ hoặc chồng cứ 3 tuần đi công tác mới có 1 tuần ở nhà, hay hàng ngày miệt mài ở cơ quan đến khuya, không có ngày nghỉ... Sinh hoạt trong các gia đình đảo lộn bởi những chuyến tập huấn, cài đặt hệ thống, nhập liệu… khiến những đứa trẻ thiếu vắng mẹ thường xuyên, không được mẹ chăm sóc, dạy dỗ. Sự vắng mặt triền miên trong những người vợ/chồng đang thực thi chiến dịch TABMIS khiến không ít gia đình xảy ra "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt"..

Đặc thù của ngành Kho bạc, phần đông là cán bộ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch. Mà họ lại là những nhân tố trụ cột trong công cuộc cách mạng số của ngành. Với nghề này, chuyện tan sở lúc 6, 7 giờ tối là thường tình, nhưng khi vào chiến dịch TABMIS, họ thường xuyên phải bám trụ công sở tới 12 giờ đêm, thậm chí 2-3 giờ sáng để tập huấn, tiếp quản, làm quen và sử dụng hệ thống theo kịp tiến độ triển khai dự án. Những ngày ấy, không khó để bắt gặp cảnh: Nữ nhân viên vừa nhập liệu, vừa khóc, nước mắt chứa chan, thương mình, thương chồng con, thương bố mẹ… Những chuyến đào tạo, tập huấn trong cơn bão số 5 tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, cũng chứa chan nước mắt khi nhà ngập, đồ trôi, vẫn không ai bỏ nhiệm sở.

Trước thực trạng đó, Ban lãnh đạo Kho bạc Nhà nước nhận thức được rất rõ nếu không có những động thái kịp thời, những mối lo toan về gia đình sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ. Những "hội nghị an gia đình" lập tức được triển khai trên toàn tuyến. Ban lãnh đạo mời tất cả các gia đình bao gồm cả vợ/chồng, con cái, bố mẹ của cán bộ Kho bạc gặp mặt, tổ chức liên hoan chung vui bữa cơm thân mật, chia sẻ tình hình công tác, mong các gia đình thông cảm, cùng nhau san sẻ gánh vác việc gia đình để chị em hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Bên cạnh đó, những lời động viên, kêu gọi của Lãnh đạo Bộ Tài chính tại các hội nghị ngành, trong các chuyến công tác địa phương, những lá thư tâm huyết chia sẻ từ Tổng giám đốc Kho bạc được gửi tới các gia đình cũng truyền thêm sức mạnh vượt khó cho mỗi cán bộ cùng gia đình. 

Nhờ những việc làm kịp thời đó, các cán bộ và gia đình của họ đều vượt qua khó khăn, không rời vị trí. Cán bộ Kho bạc nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc để cả hệ thống từng bước, từng bước vận hành nhịp nhàng, đúng tiến độ. Những người thân ở nhà gánh trách nhiệm ổn định gia đình.

+ Bản thân chị, lúc đó trong vai trò Chánh văn phòng điều hành dự án, rồi Giám đốc dự án, đã có lúc nào cũng "nước mắt vòng quanh"?

May mắn, tôi có được sự hỗ trợ hậu thuẫn từ gia đình, từ mẹ, chồng và các con. Nhưng nước mắt thì không phải là không có, bởi là người điều phối chính của chương trình, khi triển khai thì "ba bề, bốn bên" lúc nào cũng như "va đầu vào đá". Dự án TABMIS do Ngân hàng thế giới tài trợ (WB) là dự án ODA lớn nhất từ trước tính đến năm 2006 và cũng được WB đánh giá là 1 trong những dự án có quy mô và có mức độ khó nhất từ trước tới nay mà WB tài trợ. Dự án đã thành công trong khi gần 90% dự án dạng này được triển khai trên thế giới không đem lại kết quả. 

Áp lực… nước mắt cũng rơi. Mỗi khi tìm được hướng đi, lắp ráp các modun trôi chảy, vận hành hệ thống trơn tru… những giọt nước mắt hạnh phúc cũng không ngừng lăn. Và điều mừng hơn hết, sau những chuỗi ngày ấy, cả một hệ thống cán bộ Kho bạc từ Trung ương đến địa phương hơn chục ngàn người đã tự mình tạo lập nên một tầm cao mới, có tính kỷ luật cao, say mê gắn bó với nghề, có dũng khí mạnh mẽ không ngại thử thách, đặc biệt là những cán bộ nữ Kho bạc. 

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, đã triển khai thành công dự án TABMIS, thì các chương trình, ứng dụng sau dù có khó khăn đến đâu chúng ta cũng tự tin sẽ làm chủ được. Và thực tế là trong các năm gần đây, KBNN đã liên tục mở rộng phạm vi hiện đại hóa để điện tử hóa, và tiến đến số hóa các hoạt động kho bạc.

Người gác “kho tiền” thời 4.0 và cuộc chuyển đổi số “chan nước mắt” - Ảnh 1.

Chị Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước

+ Dường như TABMIS đã làm nên "điều kỳ diệu" khi tôi luyện thành công những "nữ chiến binh" kho bạc. Họ có gì khác với trước đây họ luôn gắn bó với hình ảnh "cô thủ quỹ bàn giấy ngồi đếm tiền"?

Nghề kho bạc trước đây gắn bó với hình ảnh cán bộ miệt mài đếm tiền, kế toán kho bạc làm việc với chồng chứng từ, con số thì cũng luôn gắn với đặc tính của người phụ nữ: Miệt mài, cần mẫn, kiên trì và sức chịu đựng cao, ngày này qua ngày khác. Có lẽ vì vậy ngành Kho bạc chủ yếu là cán bộ nữ (cười). 

Cho dù có là thời đại 4,0 thay vì ngày ngày cặm cụi tiếp nhận hồ sơ giấy, ghi chép, vào sổ, đếm tiền bằng tay xưa kia, nữ cán bộ kho bạc làm việc với máy tính, mạng thông tin trên một hệ thống cập nhật đồng bộ… thì vẫn cần những phẩm chất đó. Chỉ khác là với hệ thống công nghệ hiện đại, như hệ thống thu ngân sách điện tử, các hệ thống thanh toán với ngân hàng điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến…, những cán bộ kho bạc ngày nay đang hướng đến môi trường làm việc "3 không": Không tiền mặt, không giấy tờ, không khách giao dịch… 

Trong bối cảnh dịch Covid -19 vừa qua, với Chỉ thị giãn cách toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống KBNN vẫn duy trì bình thường phục vụ mọi nhu cầu của các cơ quan, đơn vị. Dù dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro hiện nay, vận hành hoạt động hệ thống kho bạc "3 không" vừa đảm bảo an toàn vừa hiệu quả.

+ Với một đội ngũ cán bộ đa phần là nữ, công tác cán bộ nữ được Kho bạc nhà nước chú trọng như thế nào, thưa chị? Chị có thể chia sẻ tâm huyết của mình với đội ngũ nữ lãnh đạo trẻ?

Kho bạc Nhà nước có truyền thống chăm sóc, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo nữ từ nhiều năm nay. Đã từng có hai chị giữ vị trí Tổng giám đốc - lãnh đạo cao nhất của ngành Kho bạc. Giám đốc Kho bạc các tỉnh, thành phố luôn có 7-8 chị, thậm chí có những giai đoạn có hơn 10 chị giữ cương vị này, và ở huyện thì đội ngũ lãnh đạo nữ rất đông đảo. Tính trong toàn hệ thống, số lãnh đạo nữ chiếm tới suýt soát 40% (39,96%) trong tổng số các vị trí lãnh đạo. Nếu so với tổng số cán bộ công chức của Hệ thống KBNN, số cán bộ lãnh đạo nữ chiếm gần 10%….

Tôi vẫn thường chia sẻ với các bạn trẻ, đặc biệt là các nữ lãnh đạo trẻ rằng: "Chị em cán bộ nữ hoàn toàn có đủ năng lực và sức mạnh làm được mọi việc. Chỉ cần chúng ta thực sự yêu, gắn bó, tâm huyết và có tinh thần trách nhiệm với nghề. Sự phát triển của phụ nữ không chỉ nhìn vào việc chúng sẽ được đề bạt vào vị trí nào cao hơn mà là chúng ta hình thành được giá trị con người như thế nào, thu nạp được kinh nghiệm ra sao. Có sự hiểu biết, sự tự tin và trưởng thành, tinh thần trách nhiệm và năng lực thực thi công việc, điều ấy làm con người chúng ta gia trị hơn nhiều và ta tiếp tục tích lũy những chân giá trị đó để có thể ngẩng cao đầu trong cuộc sống và sự nghiệp".

+ Xin cảm ơn chị!

Với việc xây dựng và triển khai thành công Hệ thống TABMIS trên toàn quốc, công tác kế toán ngân sách và kho bạc được cải cách căn bản theo hướng: Chuyển từ mô hình kế toán phân tán sang mô hình tập trung; mở rộng phạm vi kế toán, nâng cao chất lượng thông tin, báo cáo. Từ đó, các báo cáo tình hình thu, chi được KBNN lập và cung cấp theo quy định, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, giám sát và điều hành của các cấp lãnh đạo, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước được Chính phủ (Bộ Tài chính ) trình ra Quốc hội và được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

TABMIS cũng cung cấp thông tin nhanh, chính xác về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước ở mọi thời điểm cho các cấp chính quyền; đảm bảo sự đồng bộ về dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước giữa KBNN và các cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm