pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người già Trung Quốc ngày càng mê mạng xã hội
Người già ngày càng mê mạng xã hội
Gao Xiangjin từng biết tên tất cả các cầu thủ trong các giải bóng rổ của Mỹ, nhưng vì một số lý do, các chương trình phát sóng NBA mỗi ngày tại Trung Quốc một lần giờ càng ngày càng thưa thớt. Vì vậy, ông bắt đầu xem bóng rổ nam Trung Quốc, cho đến khi scandal tham nhũng trong bộ môn này khiến ông chán nản. Hiện ông chuyển hướng sang quan tâm bóng rổ nữ Trung Quốc, không phải trên tivi mà trên Douyin, phiên bản gốc tiếng Trung của TikTok.
Gao năm nay 69 tuổi, là một trong số những người lớn tuổi ngày càng rời xa truyền hình và bị thu hút bởi Douyin, ứng dụng video dạng ngắn phổ biến nhất Trung Quốc. Theo thống kê chính thức, có 267 triệu người trên 60 tuổi ở Trung Quốc, và trong khi chính phủ Trung Quốc đang cố gắng hạn chế việc sử dụng Douyin của trẻ em vì lo lắng về tính chất gây nghiện của nó thì cha mẹ hay thậm chí ông bà các em lại trở thành người dùng thường xuyên.
"Bất cứ khi nào bố tôi không nấu ăn, bơi lội hay ngủ, ông ấy đều dùng Douyin", con gái ông, Helen, nói. "Đó là trò giải trí vô tri. Thà chơi với một con mèo hoặc chả làm gì còn hơn". Bản thân cô không phải là người dùng Douyin. Cô nói: "Tôi đã có vấn đề về khả năng tập trung rồi. Douyin sẽ chỉ khiến chuyện đó tệ hơn".
Là một cựu quân nhân, ông Gao theo dõi các tin tức xung đột trên thế giới thông qua các video do các nhà bình luận thực hiện. Nhưng Douyin không chỉ là nguồn tin tức của ông mà một hứng thú khác là giày bóng rổ. "Cứ nhìn vào đôi giày màu xanh lá cây kia đi", Helen nói, chỉ vào một đôi giày thể thao bắt mắt trên giá giày của một "local brand". "Trông đến là lố bịch!".
Con gái không ưa, nhưng ông Gao hài lòng với đôi giày thể thao của mình với mức giá chỉ hơn 600k đồng. Ông cho biết nó còn có chất lượng tốt hơn một đôi khác mua ở nước ngoài với giá gấp 4 lần.
Li Yongjian, giảng viên cơ sở tại Đại học Erasmus Rotterdam, hiện nghiên cứu việc sử dụng mạng xã hội ở người cao tuổi ở Trung Quốc, nói rằng Covid-19 là một bước ngoặt. Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Covid khiến người già tìm kiếm sự kết nối và họ chuyển sang sử dụng mạng xã hội.
Smartphone và dữ liệu internet rẻ hơn đã giúp mọi người dễ dàng bước vào thế giới video ngắn, dù trước đây, người lớn tuổi thường tránh xa những thiết bị đắt tiền mà thế hệ trẻ không ngần ngại mua vì các lý do văn hóa.
Giờ đây, một gói 30 gigabyte dữ liệu cộng với 200 phút lướt internet từ China Telecom có giá chỉ hơn 400k đồng. Chưa kể, người lớn tuổi đã trở thành khách hàng mục tiêu của các thương hiệu điện thoại lớn nhất Trung Quốc. Li nói rằng anh đã mua một chiếc điện thoại Xiaomi cho ông nội với giá chỉ hơn 1 triệu đồng.
Với màn hình lớn và pin lâu, nó được quảng cáo là "chiếc điện thoại dành cho ông nội của bạn". Nhiều ứng dụng, bao gồm cả Douyin, đã được tải sẵn trên điện thoại khi khởi động. Li đã thực hiện một vài vòng tìm kiếm trên ứng dụng về sở thích của ông nội – câu cá, quân sự và ô tô – để thuật toán ghi lại những sở thích đó.
Việc ông anh sử dụng ứng dụng này đã khiến cuộc sống của ông có thêm nhiều sở thích, như trồng trọt. Những video làm nông khiến ông nhớ về thời trẻ: cách họ thu hoạch, sau đó dựng vạc ngoài đồng để bắt đầu nấu ăn. "Nó mang lại cho ông tôi cảm giác được nhìn thấy", Li nói. "Hóa ra vẫn còn một nơi dành riêng cho họ, không chỉ offline mà cả thế giới online".
Nhiều người lớn tuổi đang sử dụng công nghệ vì ở Trung Quốc hiện đại, smartphone là vật bất ly thân - đây có thể coi là một xã hội "hậu tiền mặt" điển hình khi mọi giao dịch đều thực hiện online. Ngay cả ăn xin trên đường phố cũng có mã QR nhận tiền.
Một cách kết nối mới đầy thân thương
Ngoài ra còn có nỗi cô đơn mà nhiều người già phải trải qua khi con cái họ sống xa họ, tìm được việc làm hoặc xây dựng cuộc sống ở nơi khác. Nhiều người già cũng có thể đã rời bỏ cuộc sống cũ của chính mình để về sống cùng các con, đánh mất những mối quan hệ gần gũi với cộng đồng và những gương mặt quen thuộc đã đồng hành cùng họ trong cuộc sống hàng ngày.
Những người già rời quê hương đến các thành phố khác được gọi là lão phiêu, hay "những người già trôi dạt". Huang Chenkuang, một nghệ nhân gốm sứ ở Bắc Kinh, cho biết: "Không phải nước nào cũng có việc ông bà chuyển đến thành phố khác chỉ để chăm sóc con cháu". Mẹ của Huang là một trong số đó - bà đã rời bỏ cộng đồng của mình để chăm sóc các con của chị gái Huang.
Bộ phận người cao tuổi này có thể sống cuộc sống hạn chế, chỉ di chuyển giữa ba địa điểm thực tế: Đi chợ, đưa cháu đi học, và khu dân cư.
Mẹ của Huang không phải đi xa. Xuất thân từ Giang Tây, bà chuyển đến Chiết Giang, cách đó 6 giờ lái xe và thói quen sinh hoạt của hai tỉnh phía Nam này cũng tương tự nhau. Huang nói nếu bà chuyển đến một tỉnh phía bắc, "như Bắc Kinh, điều đó sẽ khó khăn hơn với bà".
Bất cứ khi nào mẹ cô đến thăm cô ở Bắc Kinh, bà đều phàn nàn về khí hậu khô hanh và việc bà không thể mua những món ăn từ quê nhà để ăn. Huang nói: "Mẹ tôi không phải là kiểu người có thể nhanh chóng hòa nhập với mọi người ở một địa điểm mới và khiêu vũ cùng họ. Thay vào đó, mẹ tôi học nhảy từ một giáo viên trên Douyin, người này thường livestream vào mỗi buổi tối.
Mẹ tôi còn đột nhiên nấu một món ăn mà tôi chưa từng thấy bà ấy nấu trước đây". Đó là lương bì, một loại mì dẹt thường được trộn với dưa chuột và giấm, không phổ biến ở miền Nam Trung Quốc, nhưng mẹ cô đã tặng cô món ăn này. Mẹ cô có những sở thích mới và cùng với đó là thói quen sử dụng smartphone.
Huang kể: "Mọi sự chú ý không còn đổ dồn vào bạn nữa vì ở đó có một món đồ chơi mang tính giải trí cao. Đôi khi về nhà, tôi sẽ hơi lo lắng. Tôi cảm thấy nếu là trước đây, chúng tôi có thể đã trò chuyện trực tiếp nhiều hơn, nói về những sự kiện gần đây chẳng hạn".
Trong khi các ứng dụng khác, chẳng hạn như WeChat, yêu cầu người dùng thêm bạn bè để có thể nhận xét và xem nội dung mới nhất, Douyin giúp dễ dàng kết nối với người lạ và mở ra khả năng nhận được phản hồi từ những người bên ngoài vòng kết nối bình thường của họ. Trên Douyin, bất kỳ người dùng nào cũng có thể bình luận về video và điều này khiến việc kết bạn càng dễ dàng.
Ứng dụng này cũng khuyến khích người dùng nâng cấp hoặc phát triển kỹ năng chỉnh sửa video của họ. Gao tự hào khoe một đoạn video trong đó có cảnh ông đang nhảy xuống một con sông gần nhà, nơi ông bơi lội quanh năm. Đó là kết quả của khóa học chỉnh sửa video ngắn kéo dài 5 ngày mà ông đã tham gia sau khi xem một quảng cáo trên nền tảng này.
Tại đó, ông học về góc máy và khung hình; ông không quan tâm đến việc làm nội dung dạy cách kiếm tiền từ video, mà chỉ đơn thuần từ sự hứng thú.
Nhưng nhiều người lớn tuổi khác ở Trung Quốc đang có lượng fan đông đảo ngoài nhóm nhân khẩu học gần gũi với họ. Nhiều người tự coi mình là các nhà sáng tạo nội dung, nếu không phải vì tiền thì cũng là vì đam mê và sở thích. Với Li, mạng xã hội đã trở thành một cách để anh ngày càng gần gũi hơn với ông nội.