Người già Trung Quốc ung dung tận hưởng tuổi xế chiều: Phía sau là câu chuyện nỗi lo của giới trẻ

An An
10/05/2023 - 15:08
Người già Trung Quốc ung dung tận hưởng tuổi xế chiều: Phía sau là câu chuyện nỗi lo của giới trẻ
Cuối một con hẻm giữa những tòa cũ, tiếng va chạm của những quả bóng bàn vang vọng trong một nhà kho ở Như Đông, Thượng Hải, Trung Quốc.

Tuổi già tự lo

Lúc này, các thành viên câu lạc bộ bóng bàn Như Đông, một quận ven biển buồn tẻ đồng thời là một trong những địa phương có tỷ lệ người cao tuổi nhiều nhất ở Trung Quốc, đang chơi thể thao.

Như Đông từng đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai chính sách một con của Bắc Kinh nhưng giờ đây, khi tỷ lệ sinh giảm, dân số dần trở nên già hóa, những ngôi trường bị bỏ hoang, dây leo mọc um tùm.

Trước tình cảnh hiện tại, một trường đại học địa phương đã cung cấp các khóa học cho người về hưu.

"Nếu người già đến đây chơi bóng bàn, họ cảm thấy điều đó có lợi cho họ, thì họ sẽ ngừng chơi đánh bài", bà Fu, một phụ nữ Như Đông 56 tuổi, người mở câu lạc bộ vào năm 2011, cho biết.

Con trai duy nhất của bà Fu đã rời Như Đông để tìm việc làm trên thành phố. Đây là một câu chuyện phổ biến trong những thập kỷ gần đây khi nền kinh tế Trung Quốc đổi mới mạnh mẽ.

"Con tôi lập gia đình rồi sinh con trên thành phố", bà Fu nói, nhưng khi được hỏi liệu hai vợ chồng con bà có tính đến việc sinh thêm con hay không, bà cho biết điều này rất khó. "Chúng có quá nhiều gánh nặng", bà nói.

Người già Trung Quốc ung dung tận hưởng tuổi xế chiều: Phía sau là câu chuyện về nỗi lo của giới trẻ - Ảnh 1.

Người già Như Đông muốn tự chăm lo cho bản thân. Ảnh: AFP

Zhu, một thành viên câu lạc bộ ở độ tuổi 60, hiện đã nghỉ việc tại China Telecom, nói với AFP rằng thị trường việc làm vô cùng thách thức đối với giới trẻ Trung Quốc.

"Nó không giống thế hệ của chúng tôi. Vào thời đó, chúng tôi được phân công sẵn việc làm", Zhu nói. "Không giống như ngày nay, khi mọi người phải dựa sức mình để tìm việc làm".

Cuộc sống giới trẻ nhiều áp lực

Theo AFP, do tỷ lệ sinh giảm mạnh nên Trung Quốc đang đối mặt với áp lực nhân khẩu học.

Như Đông chính là một ví dụ điển hình nhất. Nằm cách Thượng Hải khoảng 100 km, Như Đông ghi nhận tình trạng dân số già tăng đột biến cùng làn sóng di cư mạnh mẽ của giới trẻ địa phương. 

Cuộc điều tra dân số gần đây nhất, được công bố vào tháng 5/2021, cho thấy gần 39% cư dân Như Đông trên 60 tuổi, cao gấp đôi so với tỷ lệ 18,7 của  toàn quốc.

Tổng dân số của Như Đông là 880.006 người, giảm 115.977 người so với lần điều tra trước đó.

Dân số già hóa đang gây áp lực lên giới trẻ Trung Quốc khi họ có nghĩa vụ chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình, cũng như hệ thống phúc lợi của đất nước.

Ở Trung Quốc, việc người lớn tuổi chuyển đến sống với con cái là điều phổ biến nhưng nhiều người lớn tuổi ở Như Đông nói với AFP rằng, họ cần tự chăm lo cho bản thân để giảm bớt áp lực cho con cái.

"Miễn là chúng tôi còn khỏe mạnh, thì áp lực đối với con cái chúng tôi sẽ ít hơn", Wang Jianhua, 67 tuổi, nói. "Vì vậy, tham gia vào các hoạt động này là vì chính chúng tôi, nhưng cũng là vì con cái". 

Đạp xe ra khỏi cổng của một trường đại học địa phương và trò chuyện với một người bạn cùng lớp, bà Ping, 74 tuổi, nói, bà đang học về văn học và kinh kịch truyền thống của Trung Quốc.

"Chúng tôi vừa chơi vừa học",  Ping nói, "Cuộc sống vẫn còn rất phong phú".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm