pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người giúp tôi thoát khỏi chán chường triền miên
Tốt nghiệp đại học, tôi nằng nặc đòi ở lại thành phố lập nghiệp cùng với người con trai đã thề non hẹn biển cùng tôi xây đắp một cuộc sống hạnh phúc. Bố mẹ tôi cũng đành chấp thuận, dẫu trong lòng trăm nỗi lo toan.
Và cuộc đời có ai biết chữ ngờ. Cuộc hôn nhân của tôi sang năm thứ 10 thì đi vào bế tắc. Chồng tôi đã dọn ra ngoài sống riêng với cô nhân tình, để mặc 3 mẹ con tôi trong căn hộ chung cư. Thi thoảng, anh cũng ghé nhà để xem mẹ con tôi "sống như thế nào" - nguyên văn lời anh nói.
Qua điện thoại, nhiều lần bố tôi giục "ôm con về đây với bố" nhưng tôi chỉ biết khóc lặng mà không hồi đáp. Không phải là tôi không muốn trở về bên bố mẹ. Tôi thầm nghĩ, nhà đã có em dâu, mà có cô em dâu nào lại muốn sống chung với chị chồng đâu? Hoặc có khi chỉ vì sự xuất hiện của mẹ con tôi trong căn nhà ấy, mà em trai với em dâu tôi lại sinh ra cãi cọ. Nghĩ đến đó, tôi lại trùng bước không muốn về.
Thế rồi dịch Covid-19 ập đến, Hà Nội nhiều tháng nay cho học sinh nghỉ học. Tôi là một cô giáo mầm non nên đương nhiên là cũng nghỉ việc. Thế là tôi ôm hai con về ngoại, dự định chơi 1-2 tuần.
Quê tôi ở Cao Bằng, tỉnh duy nhất của cả nước chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 nào. Thế là mẹ con tôi được dịp rong ruổi khắp nơi. Trái ngược với suy nghĩ e dè của tôi, em dâu tôi rất niềm nở đón 3 mẹ con tôi. Trong tuần, em đi làm thì thôi, hễ cứ cuối tuần được nghỉ, thể nào em cũng lấy xe máy để đưa mẹ con tôi đi chơi.
Lần đầu tiên được tắm ở suối, cô con gái 9 tuổi của tôi thốt lên: "Mẹ ơi, mình thì tắm ở trên, trâu thì tắm ở dưới, còn chó bơi bên cạnh, thích quá mẹ ạ!". Câu nói của cô bé 9 tuổi khiến lòng tôi cũng reo vui.
Vào một ngày trời nắng vàng rộm, em dâu lại đưa mẹ con tôi vào rừng nhặt hạt dẻ. Cuộc sống với tôi lúc này thật nhẹ nhàng và trở nên đáng yêu hết nấc. Mọi thứ đến từ những điều nhỏ nhặt nhất như nghe tiếng suối chảy cũng thấy vui tai, nhìn coọng nước xoay cũng thấy thư thái, ngắm hoàng hôn xuống cũng thấy bình yên, đạp xe giữa núi rừng thật là thong dong…
Thế rồi em dâu gợi ý: "Hay chị để Tin học ở Cao Bằng đi, con sẽ được đến lớp như bao bạn nhỏ ở đây. Chứ ở thành phố dịch giã phức tạp, biết đến bao giờ mới được đến trường?". Ý kiến hay quá, vậy là tôi không nghĩ ngợi gì nữa, liền liên hệ với trường ở dưới thành phố và trường học ở Cao Bằng để làm những thủ tục cần thiết chuyển cho con lên quê ngoại học. Ngày khai trường, trong khi các bạn nhỏ ở nhiều miền trên cả nước phải dự lễ khai giảng online thì con tôi được mặc đồng phục, cầm cờ và bóng bay đến trường mới hân hoan làm quen với thầy cô và bạn bè mới. Khỏi phải nói là cô nàng đã hứng khởi thế nào.
Để giết thời gian rảnh rỗi của tôi, em dâu lại tiếp tục rủ tôi tham gia vào các đoàn từ thiện mà em đồng hành. Và tôi đã gặp những cụ già trên 80 tuổi chưa một lần thoát khỏi bản Mông. Những em gái ngoài 20 tuổi nhưng chỉ học hết lớp 5 và đã có 3 - 5 con. Những bạn nhỏ học lớp 5, lớp 7 ngày ngày đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ với đôi dép tổ ong mỏng dính, vượt qua 3-4 ngọn núi để học lấy con chữ. Sách vở cũ được cho, phải dùng thật cẩn thận còn để lại cho các em lớp sau dùng tiếp. Hay cả những em bé mầm non cũng được chị cõng trên lưng để đến lớp ngày ngày…
Kết thúc chuyến từ thiện, đoàn chúng tôi trở về trong đêm tối và chỉ có ánh đèn pin le lói mà bước chân tôi như vẫn còn hăm hở. Tôi nghĩ đến con đường núi mình đã leo mà tim như vẫn còn rộn ràng. Nhớ đến đêm cỗ Trung thu dưới ánh trăng sáng mà tôi vẫn còn lâng lâng vì hạnh phúc.
Em dâu như đã nhìn thấy niềm vui trong ánh mắt tôi, liền nói: "Mệt nhưng vui, chị nhỉ!". Tôi mỉm cười gật đầu với em. Cảm ơn cô em dâu "quốc dân" tâm lý đã giúp tôi thoát khỏi cảnh ủ rũ, chán chường triền miên của những ngày đã đi qua.