pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bị gọi lên Công an phường vì hàng xóm chọc đúng nỗi đau muốn giấu kín
Ảnh minh họa
Thanh Tâm thân mến!
Tôi đang băn khoăn tìm giải pháp "trị" bà hàng xóm, một người phụ nữ đã ở tuổi trung niên nhưng sống không đoàn kết với hàng xóm, láng giềng; chỉ cần ai động đến là bà ấy mắng chửi không ra gì. Cả cái ngõ nhỏ này đã "nhịn", đã "thương" bà ta, vậy mà bà ấy "không biết điều", hành xử thô lỗ và làm mất vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Đây không phải là lần đầu tiên bà ta có những hành động như vứt rác bừa bãi, chửi mắng, đánh nhau với người dân trong ngõ. Nhưng lần này, bà ta đã xúc phạm tôi và gia đình khiến nhà tôi bị tổn thương.
Tôi đã về hưu, vào Đảng được hơn 20 năm, công tác trong phường cũng hơn hai chục năm nay. Kể với Thanh Tâm để Thanh Tâm hiểu tôi không phải là người không có văn hóa. Tuy nhiên, khi nói chuyện với những người thô lỗ, tôi không thể dùng lời lẽ bình thường. Hôm qua, tôi và bà hàng xóm đó đã cãi nhau và kết quả là công an xuống can thiệp, đưa lên phường giải quyết. Nguyên nhân là vì cái túi rác bà ta để ngay trước cửa nhà tôi, khiến mùi hôi tanh của cá, mùi thối rữa của đồ ăn xộc thẳng vào nhà. Chồng tôi khó chịu vì mất giấc ngủ trưa, cháu nhỏ thì không thể ngửi được, gào khóc. Đây không phải là lần đầu tiên bà ta vứt rác bừa bãi như vậy. Tôi đã góp ý vài lần nhưng bà ta không thay đổi. Hôm qua, không thể chịu được nữa, tôi đã bực mình chạy sang nhà và mắng bà ấy. Ngay lập tức, bà ta đã dùng những lời nói thô tục để xúc phạm tôi. Thậm chí, biết con gái tôi vừa ly dị chồng, bà ta đã dùng điều đó để buông lời lăng mạ. "Ba máu sáu cơn", tôi đem chổi ra để quét hết rác về phía nhà bà ta. Thế là một trận chiến gồm cãi nhau và đánh nhau bắt đầu.
Sau một hồi chửi mắng, bà ta tức giận chạy vào nhà cầm con dao, mồm tiếp tục chửi, mắt thì trợn ngược cứ lao về phía tôi. Con gái tôi sợ quá chạy ra để can ngăn. Bà ta vừa vung con dao, vừa chửi. Hàng xóm chạy hết ra xem. Bình thường ai cũng "né" tránh xô xát với gia đình đó, vì chồng bà ta trước đây chuyên đòi nợ thuê. Hôm nay, tôi là người đầu tiên dám đứng lên để cho bà ta một trận. Cuối cùng, công an khu vực đã đến và đưa tất cả lên phường giải quyết.
Ngày trước, người phụ nữ này cũng khá biết điều, hay hỏi thăm mọi người. Nhưng do buôn bán thất bại, nên bây giờ bà ta phải đi bán bún đậu dạo, rong ruổi khắp mọi ngõ nhỏ. Vì tình hình dịch bệnh phức tạp, mấy tháng trời không thể ra ngoài kinh doanh, nhà cửa chật hẹp, gánh hàng và chiếc xe thồ của bà ấy chiếm dụng gần nửa đường đi. Thế nhưng người dân trong ngõ đều cảm thông và cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ, không ai kiến nghị lên phường. Vậy mà, bà ấy lại có thái độ coi thường hàng xóm, không tôn trọng sự giúp đỡ của mọi người, coi sự giúp đỡ đó là "điều hiển nhiên", khiến tất cả đều khó chịu.
Lần này lên phường, tôi đã viết bản tường trình và giải thích hành vi của mình. Tôi thấy bà ta cần bị trừng phạt vì thái độ cũng như hành động của mình. Tuy nhiên, sau khi nghĩ lại về hoàn cảnh của bà ấy, nếu bị thu hồi gánh hàng bún đậu vì đã chiếm dụng lòng đường thì bà ấy sẽ không còn con đường buôn bán nữa. Gia đình bà ấy cũng đang gặp nhiều khó khăn, con cái cũng không hạnh phúc và thành công gì hơn nhà tôi. Vậy mà, bà ấy lại dùng chính nỗi đau ấy để lăng mạ, sỉ nhục tôi. Thanh Tâm ơi, tôi nên tiếp tục kiến nghị hay dừng lại?
Nguyễn Thị Thành (Hải Phòng)
Chào chị!
Cảm ơn chị đã tin tưởng và tâm sự cùng Thanh Tâm. Qua câu chuyện của chị, Thanh Tâm hiểu điều khó hòa giải với bà hàng xóm chính là việc bà ấy đã nói đúng vào nỗi đau của chị. Vì thương con, nên từ mâu thuẫn nhỏ dẫn tới việc tranh cãi, đánh nhau và phải lên phường. Tuy nhiên, người hàng xóm đó cũng nên có một bài học để ngừng lại những hành vi không đúng của bản thân. Chính sự tự ti và mặc cảm đã khiến bà ấy thay đổi từ một người xởi lởi trở thành một con người khó gần, bừa bãi. Chị có thể trình bày với công an phường, với cán bộ địa phương với mục đích hòa giải để từ đó cùng đưa ra biện pháp cho bà hàng xóm và giúp bà ấy thay đổi.