Người khôn ngoan nói 4 câu này thay vì “Tôi không biết”

BẢO ANH.
01/09/2022 - 12:00
"Tôi không biết" là một trong những câu nói chúng ta dễ thốt ra mà thậm chí chưa kịp nhận ra mình đã nói nó. Tuy nhiên, có rất nhiều câu trả lời tốt hơn mà bạn có thể sử dụng.

Bạn có nhớ lần cuối cùng ai đó hỏi bạn điều gì đó mà bạn không có câu trả lời? Lúc đó, phản hồi của bạn là gì?

Đa phần chúng ta sẽ đơn giản mà đáp rằng "Tôi không biết", nhanh chóng thoát khỏi cuộc trò chuyện và tiếp tục ngày mới của mình. Tất nhiên, nói “Tôi không biết” khi thực tế không biết câu trả lời sẽ được khen ngợi bởi sự thật thà song trong một số tình huống, điều này có thể khiến bạn trông thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp hoặc thiếu sự chuẩn bị.

Có rất nhiều cách giúp bạn gửi đi cùng nội dung thông điệp với “Tôi không biết” lại tránh gây hiểu lầm cho người đối diện, khiến họ cảm thấy như bạn đã trả lời. Dưới đây là cách những người khôn ngoan, khéo léo vẫn sử dụng:

1. “Tôi sẽ tìm hiểu”

Phản hồi này sẽ giúp bạn thể hiện sự tự tin, chuyên nghiệp cũng như sẵn sàng học hỏi, hỗ trợ của mình. Việc trả lời bằng một cái nhún vai và cộc lốc nói "Tôi không biết" cho thấy rằng bạn không những không có câu trả lời mà còn không sẵn sàng bỏ công sức ra để tìm ra đáp án.

Thay vào đó, hãy giành thế chủ động và nói rằng “Tôi sẽ tìm hiểu”. Câu nói này ngầm gửi đi thông điệp về sự hợp tác, có giá trị và tháo vát. Bạn sẵn sàng thực hiện những công việc để có được thông tin cần thiết.

2. “Tôi cũng có cùng câu hỏi”

Có những khoảnh khắc mà bạn không có câu trả lời và bạn cũng hoàn toàn không biết mình phải tìm kiếm nó ở đâu. Trong những trường hợp như vậy, bạn nên thể hiện với người mình trò chuyện cùng là bạn đang tìm kiếm thông tin tương tự.

“Tôi cũng có cùng câu hỏi” gửi đi nội dung thông điệp tương tự như "Tôi không biết", rằng bạn không có câu trả lời cần thiết. Tuy nhiên, nó giúp bạn tiến thêm một bước nữa và gắn kết bạn với người đối diện. Thay vì trông bạn chỉ như thể là đang cố gắng tránh câu hỏi, giờ đây đối phương sẽ thấy bạn có cùng hướng với họ và sẵn sàng tham gia vào nhiệm vụ để có được thông tin cần thiết.

3. “Dự đoán tốt nhất của tôi là ..”

Đôi khi, một phỏng đoán dựa trên những kiến thức, sự hiểu biết của bạn lại là điều tốt nhất bạn có thể làm. Bạn đang đặt vấn đề và bạn cần đưa ra kết luận dựa trên thông tin, bằng chứng xác đáng. Trong những trường hợp này, bạn nên đưa ra một số giải thích dựa trên những gì bạn biết và đừng quên nói rõ rằng câu trả lời của bạn chỉ đơn giản là một lý thuyết.

Bạn sẽ không muốn ai đó coi suy đoán của mình chính là đáp án cho câu trả lời nhưng cũng không muốn chỉ ngắn gọn nói “Tôi không biết” như thể cố tránh hoàn toàn câu hỏi. Đừng ngại chia sẻ những giả thuyết hoặc ý tưởng của bạn. Đó có thể là một điểm khởi động tốt hơn nhiều thay vì "Tôi không biết".

4. “Tại sao chúng ta không hỏi ... nhỉ”

Bạn nên làm gì nếu như câu hỏi đó thực sự không phải lĩnh vực chuyên môn của bạn? Cách tốt nhất để xử lý tình huống này mà không phải nói “Tôi không biết” là gì?

Thật đơn giản, hãy là người nắm thế chủ động. Đừng ngại thừa nhận rằng câu hỏi đó không phải lĩnh vực chuyên môn của bạn và không quên chỉ cho họ người phù hợp nhất, tốt nhất để trả lời câu hỏi. Cách tiếp cận này cũng có thể sử dụng khi bạn có câu trả lời nhưng có lẽ tốt hơn là không nên nói về nó (ví dụ: bạn tình cờ nghe được thông tin, bạn được cung cấp tin mật hoặc biết rằng đó là một chủ đề nhạy cảm).

Bạn có thể cảm thấy như mình đang trốn tránh trách nhiệm hoặc cố gắng né khó khăn song về lâu dài, bạn sẽ thấy đó thực sự là thông minh khi gửi mọi thứ đến những người được trang bị tốt nhất để xử lý. Đây là cách thực sự hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm