Người mẹ bao dung của 127 trẻ mồ côi, khuyết tật

26/11/2019 - 21:19
Hầu hết chúng ta đều mong rằng sau khi về hưu sẽ được an nhàn để tận hưởng tuổi già. Tuy nhiên, với bà Nadia Al Sayeg, đó là thời gian thích hợp để bà cống hiến cuộc đời mình cho xã hội, đặc biệt là những đứa trẻ kém may mắn.
Nuôi yêu thương qua những việc thiện lành
 
Ngay từ nhỏ, bố mẹ bà Nadia Al Sayeg (ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) thường bồi đắp tình nhân ái cho các con bằng cách tổ chức các bữa ăn cho người nghèo. Bởi thế, bà luôn có lòng trắc ẩn sâu xa với những số phận kém may mắn. Ngay khi còn là học sinh, bà thường lấy tiền mua sách vở giúp những bạn cùng lớp có hoàn cảnh khó khăn.
 
 
Bà Nadia Al Sayeg thấy mình may mắn khi được chăm sóc cho những đứa trẻ khiếm khuyết

  

Khi là nhân viên của Bộ các vấn đề xã hội, bà thường gặp gỡ, làm việc với nhiều gia đình có từ 2-3 đứa con là trẻ khuyết tật. Bà biết việc chăm sóc người bệnh là vô cùng vất vả, nếu không có tình thương sẽ rất khó làm tốt. Bà từng nghĩ nếu những người thân ấy chẳng may không còn nữa, ai sẽ chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật? Những trăn trở đó đã thôi thúc bà thành lập tổ chức phi chính phủ, trung tâm bảo trợ trẻ em kém may mắn Sense (sự thấu hiểu).
 
Sense được thành lập từ năm 2004 khi bà Nadia nghỉ hưu. Tổ chức của bà nhận nuôi trẻ khuyết tật và trẻ mồ côi không nơi nương tựa từ 2-19 tuổi. Ban đầu, chỉ có 4 trẻ, đến nay đã tăng lên 127 trẻ. Trong đó, 76 trẻ em ở nội trú toàn thời gian. Còn lại là các em ở bán trú hoặc đến trung tâm để được cung cấp các buổi trị liệu vật lý, âm nhạc, phục hồi chức năng ngôn ngữ, hướng nghiệp… Các em ở đây thường mắc các chứng bệnh như bại não, loạn dưỡng cơ, hội chứng Down và tự kỷ...
 
Trái tim mênh mông của mẹ Nadia
 
Trung tâm Sense hoạt động nhờ sự tài trợ của cha bà Nadia Al Sayeg và một số mạnh thường quân không thường xuyên.
 
Năm 2010, tình hình kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn, bà không còn đủ tiền để thuê trụ sở trung tâm nữa. Bà tìm đến cầu cứu ông Sheikh Mohammed bin Rashid - Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE. Ông đã mua lại căn biệt thự tặng cho trung tâm của bà. Điều đó giúp trung tâm của bà giảm đi một phần gánh nặng tài chính. Dù vậy, trung tâm hiện nay vẫn chưa có nguồn tài trợ ổn định, chi phí vận hành trung tâm vẫn còn khá cao khoảng 72.576 USD/tháng nên dù có đến 300 em đã đăng ký vào trung tâm nhưng bà chưa thể tiếp nhận thêm.
 
 
Mẹ Nadia hạnh phúc khi thấy những đứa con của bà có thể tham gia vào việc làm nên một tấm thảm đặc biệt cho tuần lễ thời trang Dubai

 

Là bà mẹ 6 con nhưng hầu hết thời gian của bà ở nơi này. Một tháng đôi lần, bà mới ra ngoài đi ăn uống trò chuyện cùng các con. Gia đình bà rất thông cảm và tạo điều kiện cho bà thực hiện đam mê của mình. Ông Mahmoud Ali Kayani, chồng bà, là một sĩ quan quân đội về hưu nói rằng bà đã giúp gia đình thấu hiểu với người khuyết tật hơn. Vì tình yêu với vợ, ông Kayani cũng xem Sense như ngôi nhà thứ hai của mình.
 
Bà Nadia nói rằng: “Cuộc sống của tôi là ở đây, nơi tôi có thể cảm thấy mình có ích. Tôi không thể làm điều này mà không có sự cảm thông của gia đình. Tôi cảm thấy mình may mắn vì chúa đã cho tôi cơ hội này để chăm sóc những đứa trẻ không tự chủ được cuộc sống của chúng”.
 
 
Một học viên của trung tâm Sense tham gia  vẽ tranh thiết kế thảm

  

Trong Tuần lễ Thiết kế Dubai vừa qua, bà Nadia vui mừng khi công ty Hands - nhà sản xuất thảm Ấn Độ có thương hiệu từ năm 1881 đã tạo ra cho “các con” bà một sân chơi hội họa đặc biệt. Các em được yêu cầu vẽ những bức tranh miêu tả cây ghaf, một loại cây có sức sống bền bỉ giữa sa mạc khô cằn. Sau đó, các bức vẽ đẹp sẽ được chọn làm hoa văn cho một tấm thảm dài hơn 2 mét với sự kết hợp của 54 màu sắc. Có ít nhất 25 người tham gia sáng tạo thiết kế, nhuộm và dệt cho đến hoàn thiện sản phẩm.
 
Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sản phẩm sẽ được đóng góp cho hoạt động của Sense.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm