Người mẹ thứ hai của trẻ khuyết tật

17/11/2019 - 17:31
Đối với những học sinh tại trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa ở thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội), cô Đoàn Thị Hoa không chỉ là cô giáo dạy nghề mà còn là người mẹ thứ hai của các em.

Bán đất để mở trung tâm dạy nghề từ thiện

Cô Hoa mở trung tâm dạy nghề Quỳnh Hoa năm 2007. Trước khoảng thời gian đó, cô thường tham gia đi tình nguyện. Sau chuyến đi tình nguyện vào Sài Gòn, lắng nghe tâm sự của những đứa trẻ khuyết tật mong muốn có một cái nghề để tự nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng, người thừa của xã hội. Khi về, cô Hoa đã đau đáu suy nghĩ lời nói của các em và quyết định mở trung tâm dạy nghề từ thiện.

 

Cô Hoa chống nạng dạy trẻ khuyết tật. Ảnh: Thu Huệ 

Những ngày đầu thành lập trung tâm có muôn vàn khó khăn bởi vì là trung tâm từ thiện nên mọi chi phí cô phải tự trang trải. Cô xuất thân nhà nông nên cũng không dư giả là bao. Có thời kỳ khó khăn, cô phải bán đất để tiếp tục duy trì trung tâm.

Cô tâm sự: “Mặc dù ban đầu gia đình phản đối nhưng nhìn thấy tôi quyết tâm như vậy nên cũng đồng ý. Hàng xóm láng giềng cũng có dị nghị nhưng nhìn những đứa trẻ ở khắp các nơi trong cả nước tìm đến với tôi, học được cái nghề, trở về lập gia đình, có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân làm tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì giúp được các em. Đó là lý do mà tôi quyết tâm giữ vững trung tâm”.

Cô Hoa không chỉ dạy các em nghề mà còn săn sóc các em trong từng bữa cơm, từng giấc ngủ. Cô tự trồng rau, trồng cây ăn quả để nuôi các em. Cô tâm sự: “Tôi phải tự trồng rau, trồng chuối cho các em ăn để đảm bảo an toàn”. Đến giờ ăn, cô vào phòng ăn coi sóc bữa cơm của các em, đến giờ ngủ cô phải xem các em yên giấc mới thấy an lòng.

Tất cả những đứa trẻ đến với cô, cô đều coi như con, có những đứa trẻ cô chăm lo cho đến ngày các em kết hôn, sinh con. Cô tự hào chia sẻ: “Tôi có các con ở trên khắp mọi miền Tổ quốc”.

 

Cô Hoa đang hướng dẫn lại cho một em cách làm ra một chiếc bưu thiếp đẹp. Ảnh: Thu Huệ 

Chỉ vì lo các em không có ai săn sóc, nên cô khất bác sĩ thêm ít ngày thể thu xếp mọi việc ở trung tâm rồi mới đi phẫu thuật. Sau khi mổ khớp gối, bác sĩ khuyên cô nên nằm trên giường, ít vận động nhưng cô vẫn cố gắng ngồi xe lăn, chống nạng đi xuống lớp để xem và hướng dẫn các em làm sản phẩm.

Thay đổi cuộc đời những đứa trẻ khuyết tật

Ở trung tâm, cô Hoa dạy các em làm ra những sản phẩm như con giống, bưu thiếp, khung tranh... Những mặt hàng ấy được bán cho các cửa hàng ở trên phố cổ và trong Hội An, có công ty mua để tặng cho khách hàng.

Cô Hoa chia sẻ: “Đa số những đứa trẻ khuyết tật đến đây không biết làm một thứ gì. Nhưng đến đây các em học nghề, sau một thời gian, các em trở về với gia đình, có em tự mở cửa hàng may ở nhà, kết hôn, sinh con làm tôi cũng mừng cho các em và đó là niềm an ủi lớn nhất đối tôi”.

 

Cô Hoa pha trò cho không khí lơp học thêm vui nhộn. Ảnh: Thu Huệ 

Trung tâm luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng cười pha trò của cô giáo, tiếng cười đùa của các em. Cô Hoa không chỉ dạy nghề cho những đứa trẻ khuyết tật mà còn kết nối những tâm hồn “ngây thơ” lại với nhau, để các em cùng học, cùng dạy nhau làm, cùng chia sẻ những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống và hơn hết là để các em cảm nhận rằng mình được yêu thương, những sản phẩm các em làm ra có ý nghĩa cho cuộc đời. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm