Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã kết thúc được hơn 1 năm, nhưng suốt thời gian qua, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở xã hội vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, trong khi nguồn tín dụng mới cho đến giờ vẫn chưa “xuất đầu lộ diện”.
Khi thị trường bất động sản bị “đóng băng” trong giai đoạn 2011-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, trong đó 70% hỗ trợ người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỉ đồng/căn, với lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013, và 5%/năm từ năm 2014-2017. 30% còn lại hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Đến hết năm 2016, hơn 32.000 tỉ đồng đã được giải ngân, với hơn 56.000 người được vay tiền để mua nhà ở. Riêng tại TPHCM, hơn 10.000 cá nhân và 8 chủ đầu tư dự án đã vay tổng cộng 8.488 tỉ đồng từ gói tín dụng này (chiếm tỷ lệ 26,5%).
Sau đó, từ khi gói tín dụng ưu đãi này kết thúc, việc triển khai chính sách nhà ở xã hội rơi vào tình trạng đình trệ. Gói tín dụng cho vay thuê, mua nhà ở xã hội với lãi suất chỉ 4,8%/năm được đưa ra vào năm 2015 nhưng sau đó không được thực hiện do thiếu nguồn vốn.
Đến giữa năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 630/QĐ-TTg tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội năm 2017 là 4,8%/năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đồng ý bố trí 2.000 tỉ đồng, trong đó dành khoảng 1.200 tỉ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có khoản tiền nào từ chương trình này được giải ngân. Vì thế, người vay vốn để mua nhà ở xã hội đang phải chịu mức lãi suất như người mua nhà thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã tự đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn vốn riêng của mình: Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê gồm 930 căn hộ tại quận Bình Tân; Công ty địa ốc Hoàng Quân tiếp tục việc xây dựng và hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đang triển khai; Công ty CP Đầu tư Nam Long đầu tư dự án nhà ở xã hội E-home's gồm 730 căn tại quận 9, và dự án E-home's gồm 1.007 căn tại huyện Bình Chánh, tất cả đều không được hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất từ Nhà nước.
Cũng chính vì thiếu nguồn vốn giá rẻ, phải vay vốn theo lãi suất thương mại để đầu tư nhà ở xã hội, nên nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, bế tắc. Đồng thời, cũng vì không có nguồn vốn giá rẻ nên giá thành nhiều dự án nhà ở xã hội không thể rẻ như kỳ vọng, phần lớn có giá gốc từ 15-18 triệu đồng/m2, nhưng người có nhu cầu mua nhà để ở thường phải mua với giá đắt hơn 40-60% giá gốc, khiến rất ít người thu nhập thấp có thể mua được.
“Làm nhà giá rẻ không phải chỉ cần vốn. Cái chính là cân đối vốn sao cho hợp lý để đạt được mức lợi nhuận như kỳ vọng, tức nhà đầu tư phải có nguồn vốn cực mạnh. Nếu làm nhà giá rẻ để hỗ trợ chủ trương, và thành phố hỗ trợ thủ tục và đất đai thì dễ, còn làm để kinh doanh kiếm lợi nhuận thì cực kỳ khó khăn”, ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR).
Với những diễn biến như hiện nay, giới chuyên gia dự báo tình trạng khan hiếm nhà ở xã hội sẽ tiếp diễn khi nguồn cung căn hộ bình dân vẫn rất ít ỏi, chênh lệch cung – cầu là rất đáng kể và có thể càng ngày càng lớn. Các yếu tố như quỹ đất ngày càng ít, chi phí đầu tư tăng cao, cùng những quy định của Nhà nước về chỉ tiêu diện tích tối thiểu của căn hộ thương mại, khống chế về mật độ dân số… sẽ khiến diện tích căn hộ lớn hơn, nhà giá 1 tỷ đồng trở xuống có thể sẽ không còn, và trong thời gian tới, mức dao động bình quân phải từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/căn trở lên. Nhà giá rẻ sẽ tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới trong những tháng tới và mức tăng giá của căn hộ bình dân trong năm 2018 có thể sẽ là 20%.
Như vậy, cơ hội mua được những căn hộ giá rẻ của người nghèo sẽ ngày càng bị thu hẹp.