Người nghỉ hưu trước tuổi được hưởng chế độ hỗ trợ gì?

Nhóm PV
31/03/2025 - 15:50
Người nghỉ hưu trước tuổi được hưởng chế độ hỗ trợ gì?

Ảnh minh họa

Các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được hưởng 3 chính sách theo quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2025/NĐ-CP).

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Công ty Luật TNHH Nguyên Luật và Cộng sự (Đoàn Luật sư TPHCM), cho biết, cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và lực lượng vũ trang chịu sự tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện chịu tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy khi nghỉ hưu trước tuổi được hưởng các chế độ sau:

Trợ cấp hưu trí 1 lần cho thời gian nghỉ sớm

Đối với người nghỉ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền: Trường hợp có tuổi đời từ đủ 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm so với thời điểm nghỉ hưu.

Trường hợp có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng.

Đối với người nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp nêu trên.

Chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc và số năm nghỉ sớm

Trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH thì còn được hưởng các chế độ sau: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng BHXH bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi thì được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH thì còn được hưởng các chế độ sau: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng BHXH bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi thì được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động ban hành hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, thì còn được hưởng các chế độ sau:

Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng BHXH bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi thì được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021 thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Xét khen thưởng quá trình cống hiến

Cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi nêu trên thuộc đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 98/2023/NĐ-CP mà còn thiếu thời gian công tác giữ chức vụ lãnh đạo tại thời điểm nghỉ hưu để được khen thưởng quá trình cống hiến thì được tính thời gian nghỉ hưu sớm tương ứng với thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời gian bổ nhiệm của chức vụ hiện đảm nhiệm để xét khen thưởng quá trình cống hiến theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 98/2023/NĐ-CP.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng xét khen thưởng quá trình cống hiến thì được cấp có thẩm quyền xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.

Người nghỉ hưu trước tuổi được hưởng chế độ hỗ trợ gì?- Ảnh 1.

TS Tô Hoài Nam, Ủy viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Chính sách nhân văn

Trong bối cảnh cải cách hành chính và sắp xếp bộ máy Nhà nước, việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi trở thành một vấn đề hết sức quan trọng và được nhiều người quan tâm. Một trong những chính sách đáng chú ý, thể hiện rõ tính nhân văn và hợp lý của Đảng, Nhà nước ta là chính sách nghỉ hưu sớm được quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (Nghị định 178) vừa mới được ban hành vào ngày cuối cùng của năm 2024.

Một trong những yếu tố quan trọng trong chính sách này đó là Đảng và Nhà nước ta không chỉ coi việc cắt giảm biên chế như một mục tiêu, mà còn đặt ra những chính sách để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quá trình nghỉ hưu trước tuổi.

Đánh giá về Nghị định 178, TS Tô Hoài Nam, Ủy viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), đánh giá, tinh thần của Nghị định 178 đã thể hiện nhiều yếu tố nhân văn, nhằm khuyến khích, bù đắp, ổn định tâm lý cho cán bộ, công chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, cũng như phù hợp với bối cảnh, nguồn lực của đất nước ta hiện nay.

Việc ban hành Nghị định 178 còn nhằm đẩy nhanh tốc độ kiện toàn bộ máy hành chính, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp bộ máy tổ chức, không để làm ảnh hưởng đến hoạt động và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

TS Tô Hoài Nam nhấn mạnh, Nghị định 178 đã đưa ra được những quy định, cơ chế, chính sách với người nghỉ hưu trước tuổi, thể hiện sự ưu việt, ưu ái nếu so sánh với các khía cạnh khác. Ngoài ra, chính sách trọng dụng người có năng lực nổi trội, chính sách đào tạo, bồi dưỡng... của Nghị định 178 so với các văn bản trước, có nhiều quy định rất mạnh mẽ, khả thi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm