Người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế thế nào?

21/08/2018 - 10:58
Người nhiễm HIV/AIDS mang trong mình mặc cảm, sợ lộ thông tin, sợ bị kỳ thị nên ít tham gia BHYT. Điều này khiến họ phải đối diện với nhiều khó khăn, áp lực về kinh tế cũng như không đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình.

Rất nhiều người có HIV/AIDS còn băn khoăn, ngại ngần chưa dám tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) để giảm áp lực, gánh nặng chi phí điều trị cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, những người “có H” thường có chung một băng khoăn là “họ có thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT?”.

Bà Hoàng Ngọc, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH)-BHXH Việt Nam, cho biết: Theo Luật BHXH không quy định nhóm đối tượng tham gia BHYT theo nhóm bệnh, kể cả người nhiễm HIV. Vì vậy, người có HIV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng nào thì mức hỗ trợ đóng BHYT sẽ theo nhóm đó. Cụ thể, người có HIV là thuộc đối tượng hộ nghèo sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT; người có HIV thuộc hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT…

Người không may có HIV/AIDS, chi phí điều trị bệnh trở thành gánh nặng và là nỗi lo thường trực của bệnh nhân và gia đình. Khi tham gia BHYT, theo bà Hoàng Ngọc, mức hưởng và quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT có HIV phụ thuộc vào đối tượng và quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng.

Hiện nay, nhiều thuốc kháng ARV thuộc danh mục BHYT chi trả, đang do ngân sách nhà nước chi trả. Tuy nhiên, theo Quyết định 1125/QÐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 thì thuốc ARV được chi trả từ quỹ BHYT từ ngày 01/01/2019.

hiv3.jpg
Khám chữa bệnh BHYT cho người có HIV/AIDS

 

Ngoài ra, phần lớn người có HIV/AIDS băn khoăn là trường hợp phải cấp cứu nhưng không đúng tuyến thì được hưởng quyền lợi như thế nào? Bà Hoàng Ngọc lý giải: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 28 Luật BHYT, trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào; đồng thời phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện.

“Tình trạng cấp cứu là do bác sĩ quyết định. Khi đó, người tham gia BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi như đi KCB theo đúng quy định”, bà Hoàng Ngọc khẳng định.

Để được hưởng quyền lợi BHYT tốt nhất, người bệnh nên lưu ý trong quá trình đăng ký tham gia BHYT, nên tham gia liên tục, không làm gián đoạn để ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh BHYT; đi khám chữa bệnh theo đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ, xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm