Còn 6 ngày nữa mới hết tháng, đếm đi đếm lại số tiền ít ỏi còn sót lại trong ví, chị Trần Thị Hậu (An Dương, Hà Nội) không khỏi xót ruột. Chị Hậu cho biết, trung bình, mỗi ngày gia đình chị chi tiêu hết 120.000-150.000 đồng tiền thức ăn. Nhưng từ giữa tháng 4, giá nhiều loại thực phẩm tăng vọt, mỗi ngày phải chi thêm khoảng 30.000 đồng vào tiền chợ.
Thêm vào đó, tiền điện của gia đình chị tháng này cũng tăng gần 200.000 đồng so với tháng trước. Tương tự, xăng tăng, nên khoản tiền dự trù đổ xăng cho hai chiếc xe máy của chị Hậu và chồng cũng tăng lên theo.
Mua hàng gì cũng tăng giá, mà thu nhập thì vẫn giữ nguyên, ngồi tính toán lại những khoản chi để cân đối quỹ tiền của gia đình mà đau hết cả đầu - chị Hậu cho biết.
Không chỉ riêng chị Hậu, mà giá cả hàng hóa đang là đề tài nóng của nhiều chị em, trong những ngày cuối tháng 4 này.
Chị Kim Thu (nhân viên văn phòng, phố Cát Linh, Hà Nội) cho biết, dù đã chuẩn bị tinh thần là khi điện tăng, xăng tăng, giá cả hàng hóa cũng sẽ tăng theo, nhưng mình không nghĩ là lại tăng chóng mặt như vậy. Mình sống chung cùng đại gia đình chồng, nên mọi người đã phải tổ chức một cuộc họp nhỏ để ‘đối phó’ với tăng giá, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình.
Khởi công sửa nhà từ cuối tháng 3/2019, chị Nguyễn Thu Hiền (đường Bưởi, Hà Nội) cho biết, đúng thời điểm các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, thép, gạch…, khoản chi phí xây dựng của gia đình chị đã bị đội giá lên khoảng 25% so với dự kiến.
Hàng hóa nối nhau tăng giá
Theo tìm hiểu của PNVN, từ giữa tháng 4/2019, giá cả hàng hóa tại các chợ truyền thống đã tăng lên đáng kể.
Mặt hàng tăng giá nhiều nhất là thực phẩm. Thịt bò tăng giá 20.000 đồng/kg, dao động từ 240.000 – 350.000 đồng/kg; thịt lợn tăng giá khoảng 20.000 đồng/kg, trung bình ở mức 80.000 đồng – 120.000 đồng/kg; các loại cá các nước ngọt tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy theo từng loại, tôm dao động từ 250.000 – 380.000 đồng/kg; cua đồng ở mức 180.000 – 250.000 đồng/kg… Rau xanh, trái cây cũng tăng giá từ 5.000–20.000 đồng/kg.
Cùng với giá hàng hóa tiêu dùng, giá cước vận chuyển của các loại xe ôm truyền thống, xe máy công nghệ cũng tăng từ 4.000–5.000 đồng/km. Từ ngày 1/5, giá vé các tuyến xe bus tại TP. HCM cũng tăng 1.000 đồng/tuyến so với giá hiện tại. Người tiêu dùng cũng đang lo lắng về một đợt tăng giá mới của nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, quán xá, các phương tiện giao thông…
Từ tháng 3/2019, hai mặt hàng thiết yếu là điện tăng 8,36% và xăng tăng giá hai kì liên tiếp, đã kéo theo giá cả nhiều hàng hóa tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, đồ tươi sống… tăng giá tới 30%, gây ảnh hưởng không ít tới người tiêu dùng.