Người nội trợ "than trời" vì 1 bữa rau tốn tới gần trăm nghìn đồng

Vân Anh
24/10/2021 - 10:23
Người nội trợ "than trời" vì 1 bữa rau tốn tới gần trăm nghìn đồng

Ảnh minh họa

Thị trường hàng hóa trong tuần qua có nhiều biến động, trong đó củ quả, rau xanh tăng từ 30% đến 50% khiến người tiêu dùng thủ đô ngỡ ngàng vì giá tăng phi mã.

Rau đắt hơn thịt cá

"Chưa khi nào mình ăn một bữa rau luộc mà có giá lên tới 80.000 đồng cả", chị Minh Trang, một người nội trợ tại quận Tây Hồ, Hà Nội thở dài. Trong đó 1 cây súp lơ xanh có giá 35.000 đồng, 1 cây súp lơ trắng có giá 30.000 đồng, 1 củ su hào có giá 15.000 đồng. Những loại rau củ này cũng chỉ có kích thước trung bình, chứ không phải loại "siêu to khổng lồ".

"Tôi biết, súp lơ, su hào là những loại rau củ đầu mùa, có thể đắt hơn những loại rau thông thường khác, nhưng ở mức giá này thì quá đắt đỏ. Tính ra giá một đĩa rau còn cao hơn cả một kg cá, thịt. Hiện tại, thịt lợn cũng chỉ có 110.000 – 130.000 đồng/kg, còn các loại cá nước ngọt như cá rô phi cũng chỉ 45.000 - 55.000 đồng/kg, cá diêu hồng 65.000 đồng/kg, cá biển như cá nục cũng chỉ 50.000 đồng/kg", chị Trang so sánh.

Người nội trợ "than trời" vì 1 bữa rau tốn tới 80 nghìn đồng  - Ảnh 1.

Nhiều loại rau xanh, rau gia vị đã tăng giá mạnh từ đầu tháng 10 trở lại đây

Giá rau xanh còn cao trong 2 tuần tới

Ghi nhận tại các chợ dân sinh khu vực nội thành Hà Nội, từ đầu tháng 10, giá rau củ, đặc biệt là các loại rau ăn lá, rau đầu vụ đông đã tăng giá nhẹ. Trong một tuần trở lại đây, giá rau xanh đã tăng từ 30% đến 50%.

Cụ thể, rau muống tăng giá gấp đôi, dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/bó, rau cải ngọt tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, rau cải chíp giá 30.000 đồng/kg, rau cải cúc có giá tới 25.000 đồng/mớ, mồng tơi có giá 10.000 đồng/mớ, su hào có giá 15.000 – 20.000 đồng/củ, dưa chuột có giá 25.000 đồng/kg.

Đặc biệt, những loại rau gia vị như hành, mùi… tăng giá mạnh nhất, có loại tăng giá gấp đôi, gấp ba. Ví dụ như hành lá, tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 35.000 – 40.000 đồng/kg. Các loại rau thơm như rau mùi ta, thì là có giá bán tới 5.000 đồng/mớ nhỏ; rau tía tô, kinh giới tăng giá lên 3.000 đồng/mớ.

Một số loại củ quả như bí xanh, bí đỏ, khoai tây, khoai sọ, khoai lang… mức tăng giá không đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ vựa rau xanh tại Hưng Yên cho biết, từ hơn một tuần trở lại đây, thời tiết mưa kéo dài liên tục tại các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và chất lượng của các loại rau. Vì mưa nên rau xanh bị dập, hỏng nhiều, đặc biệt là các loại rau ăn lá.

Thời tiết bất lợi, việc thu hoạch và vận chuyển rau cũng khó khăn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rau xanh tại các chợ dân sinh ở Hà Nội tăng giá bán. Còn một lý do nữa là hiện nay, các quy định phòng chống dịch Covid-19 đã được nới lỏng, nhà hàng, quá xá được phép hoạt động trở lại và phục vụ khách tại chỗ, nên nhu cầu về rau củ tăng cao. Đây cũng là lý do các mặt hàng rau củ trở nên đắt đỏ hơn.

Nếu tuần tới, thời tiết thuận lợi hơn, giá rau có thể giảm một chút, tuy nhiên sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong 10-15 ngày tới. Sau thời gian này, khoảng từ giữa tháng 11 là lúc các loại rau vụ đông đã vào chính vụ, sản lượng và chủng loại dồi dào hơn, giá rau sẽ hạ nhiệt, chị Nguyễn Thị Huyền dự báo.

Rau xanh là một trong những loại thực phẩm không thể thiếu được trong bữa cơm của mỗi gia đình. Để đảm bảo đủ dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm tự nhiên này, bạn nên chọn và sử dụng đa dạng các loại rau, củ có màu sắc khác nhau.

Trong những ngày rau đắt đỏ như hiện tại, có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm có giá ổn định như các loại củ, quả, giá đỗ… để bữa ăn thêm phong phú về chủng loại và hương vị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm