pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mở cửa sau giãn cách, nhiều hàng quán tăng giá, giảm chất lượng
Các hàng quán tại Hà Nội đang thực hiện quy định chỉ bán mang về
Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo nguyên tắc Chỉ thị số 15/CT-TTg, cho phép bán hàng ăn mang về và cho phép mở cửa thêm một số dịch vụ phục vụ cuộc sống người dân. Đây là một tin vui với nhiều người dân thủ đô, bởi sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, nhiều món ăn, uống vốn bình dân như bún, phở, bánh mì, trà sữa, cà phê… bỗng trở thành "xa xỉ". Dù chỉ được đặt đồ ăn trên các ứng dụng hay xách cặp lồng đi mua, nhưng cũng đủ để nhiều người háo hức thưởng thức những món yêu thích của mình.
Bún, phở tăng giá bán
Sau hơn 10 ngày từ khi được mở cửa trở lại, các hàng quán bán hàng đã vào guồng quay ổn định để phục vụ khách, nhưng tại nhiều địa chỉ, dường như giá bán và chất lượng vẫn chưa quay về với nhịp sống trước thời điểm giãn cách xã hội.
Chị Trần Thùy Chi (phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết: Phở là món ăn quen thuộc, được cả gia đình chị yêu thích. Sau khi Hà Nội quay về thực hiện các quy định phòng chống dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, chị đã mang ngay nồi ra hàng phở gần nhà mua về cho cả gia đình. Những ngày đầu cửa hàng mới mở, giá bán tăng thêm 5.000 đồng/bát, có thể chấp nhận được vì thực phẩm, nguyên liệu còn khan hiếm. Nhưng đến nay, giao thương hàng hóa đã dễ dàng hơn, thậm chí giá thực phẩm tươi sống còn có xu hướng giảm, mà giá phở vẫn ở mức cũ.
Tương tự, với các hàng bún, phở… tại nhiều quận cũng tăng giá từ từ 10-20%, dao động từ 30.000 đồng đến 55.000 đồng/bát. Trên các ứng dụng đặt đồ ăn mang về, giá bán của các món nước như phở bò, phở gà, bún bò… cũng tăng giá 5.000 đồng - 10.000 đồng/phần.
Chị Hoa (chủ quán bún phở, Q. Thanh Xuân) giải thích: Thực hiện quy định chỉ bán hàng mang về, chị đã phải đầu tư thêm một số dụng cụ cho phù hợp như: Hộp, túi để đựng bún phở, chanh ớt, nước dùng, thìa đũa dùng một lần… Những khoản này đều tính vào chi phí, nên giá bán cũng phải điều chỉnh.
Báo động về chất lượng
Nếu hàng quán tăng giá bán nhưng chất lượng đảm bảo, người tiêu dùng dễ dàng thông cảm, nhưng từ khi hàng quán được mở cửa trở lại, không ít người lên tiếng than phiền về chất lượng đồ ăn, thức uống.
Là khách quen ăn bún bò Huế trên phố Đội Cấn, Hà Nội, chị Quỳnh Phương (Q. Ba Đình) luôn tin tưởng vào chất lượng của quán. Trên ứng dụng đặt đồ ăn online, chị Phương chia sẻ, trước giãn cách, quán có tới 3, 4 loại với các mức giá từ 45.000 đồng đến 65.000 đồng để khách hàng lựa chọn. Nhưng sau giãn cách, đến nay, quán chỉ bán một loại duy nhất có giá 55.000 đồng. Điều đáng nói là về chất lượng của món ăn, quán đã thay thế bằng những nguyên liệu khác rẻ hơn như thay gân bò bằng phần da thái mỏng, tóp mỡ ăn kèm để lâu, có mùi hôi rất khó chịu. Chị Phương bày tỏ, chị khá thất vọng vì sau bao ngày chờ đợi để thưởng thức, món bún bò tại quán được nhiều người đánh giá cao lại không giữ được phong độ như trước.
Trên các hội nhóm về ăn uống, vài ngày qua, nhiều người cũng liên tục lên tiếng "tố" có những sinh vật lạ xuất hiện trong các món đồ ăn, thức uống gọi mang về. Trong đó, phải kể đến trường hợp của một bạn trẻ phát hiện cốc trà đào cam sả đặt mua tại một quán trà trên phố Lê Thanh Nghị có chứa thạch sùng; một quán trà sữa khác tại phố Trần Quốc Hoàn (Hà Nội) bị người dùng phản ánh trong cốc dày đặc kiến. Cùng với đó là các phản ánh bát bún trộn được tặng thêm gián hay cửa hàng bán nguyên liệu bị "bóc phốt" bán bột bánh mì lẫn giòi cho khách…
"Đồ ăn không ngon như mong đợi, hay bán với giá cao hơn, mình còn có thể chấp nhận và thông cảm với cửa hàng được. Nhưng nếu chất lượng không đảm bảo, thì đó là vấn đề cần phải lên tiếng. Đây cũng là bài học để mình và người thân rút kinh nghiệm khi đặt mua đồ ăn, thức uống mang về", chị Nguyễn Minh Trang (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.