Người phụ nữ 10 năm làm nghề "bảo vệ cõi âm"

Mai Vàng
08/03/2023 - 14:36
Người phụ nữ 10 năm làm nghề "bảo vệ cõi âm"

Chị Trần Thị My (45 tuổi, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình)

Nửa đêm, mưa bão, gió lạnh, chị Trần Thị My (45 tuổi, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) vẫn một mình đi xe vào khuôn viên có lịch đưa mộ để chuẩn bị công tác hậu cần. Người phụ nữ này đã 10 năm gắn bó với công việc “không giống ai”.

Rớt nước mắt khi con gái khóc qua điện thoại "đòi mẹ" 

Năm 2013, chị My sinh người con gái thứ 2. Lúc đó, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chồng sức khỏe yếu, không thể lao động. Chị My bất đắc dĩ trở thành trụ cột, gồng gánh nguồn thu nhập chính cho cả gia đình.

Ban đầu, chị định đi làm công nhân tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, công việc này lương thấp, lại phải đi xa nhà hơn 10 km nên chị đã suy nghĩ lại.

"Khi thấy nghĩa trang Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) chỉ cách nhà khoảng 3 km tuyển bảo vệ, tôi xin vào làm với hy vọng gần nhà, nếu con ốm có thể chạy về chăm sóc", chị My cho biết.

Người phụ nữ 10 năm làm nghề "bảo vệ cõi âm" - Ảnh 1.

Ngồi giữa nghĩa trang, chị My hồi tưởng lại hành trình 10 năm gắn bó với nghề của mình

Nói về công việc "không giống ai" của mình, chị My cho biết, lúc đầu nhận làm công việc này, chị cũng e ngại bởi vừa phải làm ở nơi hẻo lánh, nhiều âm khí nhưng bản thân không học hành đến nơi đến chốn, không có bằng cấp nên khó xin việc. Khi vào đây, chị có mức lương ổn định, có thể lo được cho các con nên chị đành chọn công việc này.

Chị My rơm rớm nước mắt nhớ lại: "Ngày ấy, con gái út của tôi mới chỉ 3 tuổi. Nhiều hôm, một mình ở giữa nghĩa trang lau mộ, bàn, ghế thì con gái gọi điện và nói "nhớ mẹ", "muốn mẹ về" mà tôi rơi nước mắt. Nhưng nghĩ đến gánh nặng trên vai mình, tôi phải gạt nước mắt để mưu sinh".

Người phụ nữ 10 năm làm nghề "bảo vệ cõi âm" - Ảnh 2.

Chị My cho biết, lúc đầu nhận làm công việc này, chị cũng e ngại bởi vừa phải làm ở nơi hẻo lánh

Giữ trọn chữ "tâm" khi làm nghề

Dù công việc làm bảo vệ tại nghĩa trang không mấy nặng nhọc nhưng cũng hiếm có người phụ nữ nào lại bạo dạn như chị My.

Tổ bảo vệ nơi chị My làm việc có 6 người thì chỉ duy nhất chị là nữ. Công việc bảo vệ "giấc ngủ" cho người đã mất là thức thâu đêm, đi xung quanh các hàng mộ ở khu vực mình quản lý xem có trâu, bò xuống phá hay có kẻ gian vào ăn cắp kỷ vật trong mộ hay không.

Người phụ nữ 10 năm làm nghề "bảo vệ cõi âm" - Ảnh 3.

Chị My lại thấy mình "có duyên" với nghề

Không chỉ bảo vệ nghĩa trang, mỗi khi có phần mộ nào chuyển về đây, chị lại làm thêm công việc chuẩn bị từ phông bạt, bàn, ghế, nước…, thậm chí là kiêm cả an táng cho người đã mất để… kiếm thêm thu nhập.

Mỗi khi có phần mộ được đưa vào nghĩa trang, chị My lại bàn giao công việc cho người làm cùng rồi một tay cầm khăn lau, một tay xách theo xô nước và cây chổi ra phần mộ đã được định sẵn, lau dọn ngôi mộ thật tỉ mỉ.

"Có người về an táng lúc sáng sớm tinh mơ, tôi phải có mặt trước đó từ lúc 3 giờ để chuẩn bị. Ca nào cũng thế, tôi là người đến sớm nhất và ra về sau cùng khi việc an táng hoàn tất. Ngày nào nhiều ca, tôi chỉ ngủ 2 - 3 tiếng", chị My bộc bạch.

Người phụ nữ 10 năm làm nghề "bảo vệ cõi âm" - Ảnh 4.

Khi chọn công việc này, lúc nào chị My cũng làm với mong muốn giúp các gia chủ làm trọn đạo hiếu

Chị My tâm niệm, người Việt có quan niệm "trần sao, âm vậy", khi sống mong muốn được ở trong một ngôi nhà, khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ thì khi rời sang thế giới bên kia ai cũng mong được an táng ở nơi tương tự. Bởi vậy, khi chọn công việc này, lúc nào chị My cũng làm với mong muốn giúp các gia chủ làm trọn đạo hiếu.

Đến với công việc này là vì gánh nặng mưu sinh, nhưng giờ đây, chị My lại thấy mình "có duyên" với nghề. Nhiều đồng nghiệp của chị từng phải bỏ việc vì… luôn cảm thấy bị "người âm" trêu nhưng rất may, chị được "các cụ thương", làm việc suôn sẻ, bản thân chị và con cái khoẻ mạnh.

"Làm ở đây, tôi chỉ thương các con vì tôi ít có thời gian ở bên chăm sóc cho chúng", chị My chia sẻ.

Món quà đặc biệt ngày 8/3

Thấu hiểu được nỗi vất vả, sự hi sinh của mẹ nên hai con gái của chị My đều rất thương mẹ. Giờ con gái lớn của chị đã lấy chồng, cũng thường xuyên về thăm mẹ. Con gái út đã học lớp 6, những ngày lễ như 8/3 hay sinh nhật mẹ, cháu đều dành tiền tiết kiệm để mua quà tặng mẹ. "Với tôi, đó là những món quà lớn nhất" – chị My gạt nước mắt tâm sự.

Người phụ nữ 10 năm làm nghề "bảo vệ cõi âm" - Ảnh 5.

Hôm nay, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày đặc biệt của phụ nữ và chị Mỵ thì vẫn phải đi trực như mọi ngày

Hôm nay, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày đặc biệt của phụ nữ và chị Mỵ thì vẫn phải đi trực như mọi ngày. Nhưng chị đã hứa sẽ về sớm với con, mua tặng con món quà và đưa con đi chơi. Chị My luôn trân trọng từng phút giây mỗi khi được ở bên con. Niềm vui lớn nhất của chị đến giờ là các con hiểu chuyện, ngoan ngoãn, biết thương mẹ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm