pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ 15 năm loay hoay trong cuộc hôn nhân "độc hại"
01
Sau nhiều năm căng thẳng với gia đình chồng, năm nay khi về quê chồng ăn Tết, Linh nhận ra mình là người thừa. Gia đình chồng không chào đón sự xuất hiện của cô. Cả nhà chồng coi như cô không tồn tại. Điều đó cũng không có gì khó hiểu vì chồng từ lâu đã không dành cho cô bất cứ sự tôn trọng nào. Linh lại quay ngược ra Hà Nội vì không thể chịu đựng được không khí ghẻ lạnh đó. Cô cũng không dám về nhà mẹ đẻ, bà không muốn cô về nhà ăn Tết vì sợ hàng xóm dị nghị.
40 tuổi, Linh có một trải nghiệm Tết chưa từng có trong đời, có chồng có con, có gia đình nhưng cô đơn đáng sợ. Khi người ta chúc tụng nhau năm mới, còn cô ôm bát cơm nguội khóc. Ấy thế nhưng, khi bạn hỏi cô tính như thế nào, Linh vẫn trả lời rằng “tiến thoái lưỡng nan”. Việc này đã xảy ra 15 năm, gần đúng bằng số tuổi cuộc hôn nhân của cô.
Linh sống với một người chồng không coi trọng mình. Đấy là còn chưa nói anh ta thường buông những lời miệt thị và nhiều lúc thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Linh chấp nhận sống một cuộc sống tăm tối ấy vì 2 ý nghĩ “ly hôn xong mình ở đâu”, “ bố mẹ mình sẽ không chịu đựng được điều này”.
Mẹ cô thường bảo “Nó thế là tốt rồi, không rượu chè, cờ bạc, gái gú. Con cứ bớt bướng đi một chút”. Nhà vợ chồng mua chung, chồng cô tuy đối xử tệ với vợ nhưng chồng cô lại nhất định không ký vào đơn ly hôn, dẫn đến cô cứ loay hoay sống khổ, sống sở như thế.
02
Tuy thế, nói đi cũng phải nói lại. Chồng cô không tốt, nhưng Linh cũng không sống một đời sống cho chính mình cho ra sống. Cô quên những cuộc gặp gỡ bạn bè. Cô không bao giờ trang điểm, cũng úi xùi ăn mặc. Đời sống từ hình thức đến tâm hồn của cô đều thể hiện một sự nghèo nàn đáng kể. Điều này ảnh hưởng đến cái nhìn của chồng cô và sự thiếu tôn trọng mà anh ta ghim trong đầu bấy nhiêu năm qua.
Linh đã sai ngay từ bước đầu khi kết thúc một cuộc tình thanh mai trúc mã để chọn chồng theo lối thực dụng do lúc đó 2 người đang yêu xa. Linh chọn một đồng nghiệp theo sự mối lái của bạn bè và nhanh chóng kết hôn. Cái kết đắng xảy ra khá sớm khi cả 2 không có sự tương đồng về tâm hồn, cách nhìn hoàn toàn trái ngược và hơn hết tình yêu cũng không có. Cả hai lựa chọn theo cách lấy nhau để có một mái ấm gia đình.
Trong những lần Linh càm ràm vì chuyện này chuyện kia nhỏ nhỏ thì cô bỗng dưng thấy mặt mình tối lại vì một cú tát kèm tiếng hét “nhiều chuyện”. Linh chấp nhận sống chung cùng sự cãi vã và lạnh lẽo như thế vì sợ bỏ chồng, vì mẹ cô không muốn chịu điều tiếng con gái bỏ chồng, vì chồng cô không chịu ký vào đơn ly hôn. Và cứ như thế 15 năm trôi qua cho đến một ngày cô hưởng một cái Tết như người không gia đình vào năm nay.
03
Nhiều người phụ nữ sống một cuộc đời “bị thôi miên” như Linh, tức là đau khổ đấy nhưng luôn tự gọi đó là số phận và không chịu tìm cách sửa mình, càng không cố gắng để thoát ra. Trong cơn giãy giụa những nút rối ngày càng thít chặt vào hơn khiến họ đau đớn nhưng càng khó gỡ.
Một người bạn sau khi ly hôn đã hiểu giá trị của sự tự do và cho rằng những năm tháng cùng cực lúc có chồng mình chịu đựng là không đáng, đã khuyên Linh: “Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Đừng lãng phí thêm thời gian nữa. Chúng ta không sống bằng sự phán xét của người khác, càng không nên nghĩ vì ai (vì mẹ, vì con) mà cố, nếu không muốn chết già đi cùng bế tắc. Đừng bỏ đôi chân để chạy theo đôi giày, cứ nghĩ kỹ đi, đôi khi ly hôn đâu có nghĩa là kết thúc tất cả”.
Bạn cũng là người giới thiệu luật sư để Linh gặp, nhưng sau một vài lần tư vấn cô lại mất hút trong căn phòng nhỏ với những hoang mang, những niềm vui ngắn ngủi và những khổ đau như vô tận.
Bạn nói rằng “đừng bỏ đôi chân để chạy theo đôi giày”. Dù Linh cố tình không hiểu ý sâu xa đó khi cô quên mất sống cho chính mình và tự cho rằng số mình sinh ra là phải khổ hoặc phải để chiều lòng người khác hoặc không thể quả quyết để rẽ hướng. Nhưng đôi chân luôn quý hơn đôi giày.
Mọi đôi giày ngay cả dù có mắc tiền đến đâu cũng chỉ là vật ngoài thân và có thể mua được, nhưng đôi chân của chính mình chỉ có một mà thôi và phải biết quý trọng nó.
Như Linh còn chẳng có một đôi giày tốt, giày đã sứt mũi, nứt đế và sờn rách nhưng vẫn giữ như thể nếu bỏ nó mình sẽ cả đời sẽ chẳng có đôi giày nào khác. Và cứ thế cô đi cùng đôi giày rách và khiến bàn chân mình rớm máu trong sự lừa phỉnh của 2 chữ SỐ PHẬN.