pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy sau 2 năm xem nhẹ 1 điều khó chịu ai cũng tưởng do ăn no
Cô Quách ngoài 40 tuổi, có vóc dáng mảnh mai dù chưa từng ăn kiêng, thường xuyên vận động và không có tiền sử bệnh tật gia đình. Chỉ có một điều cô không hài lòng về bản thân là tiêu hóa kém. Cụ thể, cô rất dễ đầy hơi, chướng bụng sau mỗi bữa ăn. Thật không ngờ, đó lại là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư tuyến tụy mà cô Quách đã bỏ lỡ gần 2 năm.
Khoảng một năm trước phát hiện ung thư, cô Quách đã đi kiểm tra sức khỏe tổng thể nhưng không phát hiện bất thường gì. Sau đó, cô mặc định là do “cơ địa” của mình như vậy, cô thích ăn uống, thường ăn tới khi no hẳn nên cũng không khó hiểu.
2 tháng trở lại đây, cảm giác đầy hơi của cô ngày càng nặng và lan cả ra sau thắt lưng. Đặc biệt là nó xuất hiện ngay cả khi cô ăn rất ít, đi kèm tiêu chảy, nước tiểu vàng sẫm. Lần này, cho rằng mình mắc bệnh dạ dày nặng nên cô Quách quyết định đi khám tiêu hóa.
Bác sĩ Lin Xianghong của Phòng khám Nội khoa Hexin Minquan (Đài Loan, Trung Quốc) kể lại: “Theo mô tả triệu chứng và yêu cầu của bệnh nhân, chúng tôi tiến hành nội soi dạ dày nhưng không có bất thường. Sau đó, bệnh nhân được siêu âm ổ bụng và chụp cắt lớp, kết quả phát hiện khối u tuyến tụy ác tính 4cm. Chỉ số chất chỉ điểm khối u CA19-9 cao gấp 7 lần so với bình thường. Kích thước khối u so với kích thước tuyến tụy là rất lớn, nằm gần mạch máu nên lựa chọn duy nhất là hóa trị để giúp thu nhỏ khối u trước khi thực hiện các điều trị khác.
Nguyên nhân 1 năm trước bệnh nhân đi khám nhưng không thấy bệnh là bởi ung thư tuyến tụy những giai đoạn đầu rất khó phát hiện. Cơ quan này nhỏ bé, vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng cũng dễ nhầm lẫn với bệnh dạ dày. Hơn nữa, chỉ số khối u CA19-9 khi đó vẫn ở mức bình thường nên khó chẩn đoán chính xác ngay từ lần khám đầu tiên”.
Ông cũng bày tỏ tiếc nuối khi cho rằng khối u tuyến tụy của cô Quách bắt đầu phát triển từ đúng khoảng thời gian đi khám 1 năm trước. Nếu được phát hiện và điều trị ngay, tỷ lệ sống sót sẽ cao hơn. Bởi lúc này kích thước trung bình của u tuyến tụy sẽ là dưới 1cm, nếu được phẫu thuật sớm thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 80%. Còn hiện tại, tiên lượng của cô Quách không tốt chút nào.
5 triệu chứng sớm của ung thư tuyến tụy dễ bị bỏ qua
Ung thư tuyến tụy thậm chí còn được mệnh danh là “vua trong các loại ung thư”. Tụy đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng về tiêu hóa và nội tiết nhưng ít được mọi người quan tâm trong cuộc sống hàng ngày. Bệnh thường bị chẩn đoán ở giai đoạn muộn nhưng lại tiến triển nhanh, tính di căn rất cao, điều trị kém hiệu quả. Bác sĩ Lin cho biết, trên thực tế thì tỷ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tụy chỉ khoảng 9,3%. Từ khi phát hiện tới thời điểm tử vong chỉ vài tháng.
Ông nhấn mạnh rằng việc phát hiện sớm là mấu chốt điều trị ung thư tuyến tụy hiệu quả. Nhưng triệu chứng lâm sàng của nó nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác. Vì vậy, ông đưa ra 5 triệu chứng quan trọng nhất để “vạch trần” bệnh này sớm:
Đau bụng
Đau bụng thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1 - 2 tháng và tăng dần theo tiến triển của bệnh. Ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày. Khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng. Cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa.
Đường huyết tăng bất thường
Ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu có thể dẫn đến tăng đường huyết do rối loạn tiết Insulin và Glucagon - 2 hormone điều hòa đường huyết của cơ thể. Do tuyến tụy là cơ quan nội tiết, u tuyến tụy dẫn tới sự tiết insulin bất thường và làm tăng đường trong máu bất thường. Quan trọng là khi phát hiện tình trạng này nếu chỉ điều trị theo bệnh tiểu đường thì rất có thể ung thư tuyến tụy sẽ bị bỏ qua.
Hay đầy bụng và tiêu chảy
Đó là do dịch tụy tiết ra bất thường và khối u phát triển chèn ép các cơ quan tiêu hóa. Chúng thường bị nhầm lẫn với các bệnh về dạ dày, đường ruột. Bệnh nhân ung thư tuyến tụy cũng dễ bị tiêu chảy, hiện tượng mà mọi người gọi là chứng phân mỡ. Nguyên nhân là do dịch tụy tiết ra bất thường hoặc tắc nghẽn, dẫn đến không thể tiêu hóa thức ăn béo.
Vàng da, nước tiểu sẫm màu
Một trong số những triệu chứng quan trọng khi mắc ung thư tụy là vàng da, nước tiểu sẫm màu. Thường gọi là vàng da tắc mật. Điểm khác biệt của vàng da do ung thư tuyến tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng. Hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu thường có màu cam hoặc nâu do cơ thể đang bị dư thừa bilirubin.
Chán ăn và sụt cân nhanh
Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn nên khi nó mắc bệnh quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng lớn, bệnh nhân thường chán ăn và sụt cân đột ngột. Dịch tụy do tuyến tụy tiết ra có chứa natri bicarbonate, trypsinogen, lipase, amylase… Nước tụy được dẫn lưu vào tá tràng qua ống tụy, nơi nó tiêu hóa protein, chất béo và đường. Khối u tụy kích thước lớn cũng ảnh hưởng đến dạ dày gây ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn ói… khi ăn.
Về nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy, bác sĩ Lin nhấn mạnh rằng di truyền hoặc đột biến gen chỉ chiếm khoảng 10%. Còn lại là do lối sống không lành mạnh, các bệnh nền mãn tính khác tác động (tiểu đường, béo phì…). Đặc biệt, những người uống nhiều rượu bia thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên khoảng 5 lần, con số này ở người hút thuốc là 3 lần. Cô Quách không uống rượu, hút thuốc hay tiền sử béo phì, tiểu đường nhưng cực kỳ mê thịt đỏ và đây được xem là nguyên nhân chính hình thành ung thư tuyến tụy ở cô.