Người phụ nữ "bỏ phố về quê" để khởi nghiệp trồng bưởi đỏ

Thu Hà
30/08/2022 - 11:27
Người phụ nữ "bỏ phố về quê" để khởi nghiệp trồng bưởi đỏ

Chị Hoài Anh trong vườn bưởi của gia đình

Nhận thấy tương lai phát triển của việc trồng bưởi tại Yên Thế, chị Nguyễn Thị Hoài Anh đã vận động, giúp đỡ chị em trong vùng chuyển đổi cây trồng sang cây bưởi để nâng cao thu nhập.


Sau nhiều năm buôn bán hoa quả tại các chợ đầu mối, chị Nguyễn Thị Hoài Anh quyết định bán căn nhà ở Hà Nội để trở về quê hương Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, khởi nghiệp với mô hình trồng bưởi. 

Thời gian đầu, chị mua 2ha đất đồi trồng bưởi Diễn. Chị kể, để có thể vừa theo đuổi đam mê, vừa có nguồn kinh tế nuôi sống gia đình, có những ngày chị cứ sáng thì lên Hà Nội bán hàng, chiều lại đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế nhờ kỹ sư về theo dõi, hướng dẫn cách chăm sóc vườn bưởi. Không phụ công người, 3 năm sau, những cây bưởi Diễn đã cho thu hoạch. “Trái bưởi Diễn trồng trên đất đồi Yên Thế ngon, ngọt mát, vị đậm, không khác gì bưởi trồng trên đất làng Diễn”, chị Hoài Anh chia sẻ. 

Sau đó, trong một lần tình cờ được bạn giới thiệu về giống bưởi đỏ Tân Lạc cho ra những cây sai trĩu quả vàng rất đẹp, múi bưởi có màu đỏ hồng, mọng nước, ăn giòn ngọt và không bị đắng, chị quyết định mang giống bưởi đỏ Tân Lạc về trồng thử trên đất đồi Yên Thế. Lúc này quả bưởi Diễn ở Yên Thế vẫn đang có đầu ra thuận lợi, nên khi anh chị quyết định mang giống bưởi mới về trồng, nhiều người đã tỏ ra nghi ngại.

Bằng sự kiên trì và quyết tâm đến cùng, năm 2017, gia đình chị Hoài Anh đã thu được 3 vạn quả bưởi trồng trên 4ha đồi, thu về 600 triệu đồng, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đến nay, sau hơn 16 năm kể từ ngày "bỏ phố về quê", gia đình chị đã có một mô hình trồng bưởi hiệu quả và bền vững. Chị Hoài Anh là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế địa phương.

Người phụ nữ "bỏ phố về quê" để khởi nghiệp trồng bưởi đỏ  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Không làm giàu một mình

Nhận thấy tương lai phát triển của việc trồng bưởi tại Yên Thế, chị Hoài Anh đã vận động, giúp đỡ chị em trong vùng chuyển đổi cây trồng sang cây bưởi để nâng cao thu nhập. "Đất Yên Thế được thiên nhiên ưu ái cho thổ nhưỡng tốt, khí hậu có đủ bốn mùa, cây trái đưa về đây trồng đều cho năng suất tốt. Là hội viên của Hội LHPN huyện Yên Thế, tôi tâm niệm muốn đưa được bưởi quê mình ra được biển lớn thì phải có đồng đội. Chính vì thế tôi dùng hết sự nhiệt huyết của mình đi vận động chị em. Được mọi người hưởng ứng, tôi cũng phấn khởi và có thêm động lực để phát triển mô hình đến với nhiều hộ dân hơn nữa. Đến nay chúng tôi đã vận động được gần 20ha trồng bưởi rồi", chị Hoài Anh chia sẻ.

Trước kia, những quả đồi ở xã Đồng Lạc chủ yếu được trồng keo, vải, bạch đàn, nhãn, có nơi người dân còn để cỏ mọc um tùm. Giờ đây, khắp nơi đã được thay bằng màu xanh của những đồi cây ăn quả.  Với ước muốn xây dựng nơi đây thành một vùng chuyên canh bưởi, hình thành thương hiệu riêng cho bưởi Yên Thế, chị Hoài Anh cùng chồng luôn nhiệt tình hướng dẫn các hộ trong vùng kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi đỏ Tân Lạc.

Để chủ động đầu ra cho quả bưởi, chị Hoài Anh đã mang sản phẩm đi chào hàng qua các kênh như: Chuỗi cửa hàng sạch, hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối. Đối với mô hình này, Hội LHPN huyện Yên Thế cũng đã và đang đồng hành cùng gia đình chị, vận động nhiều hội viên phụ nữ cùng tham gia, đồng thời tăng cường các buổi tập huấn kiến thức, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vay vốn để phát triển những mô hình kinh tế có thế mạnh tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm