pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ chế ra hàng nghìn lít men vi sinh để xử lý rác thải
Sau khi được tập huấn, chị Ngọc đã nghiên cứu và thử nghiệm men vi sinh phù hợp môi trường địa phương. Đến nay, men vi sinh IMO do chị làm không chỉ xử lý rác thải hữu cơ, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, mà còn giúp cho rau màu của bà con xanh tốt.
Từ đầu năm 2020, nhà máy rác tập trung ở địa phương ngừng hoạt động khiến nhiều người dân lo ngại rác không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bà con. Chính vì vậy, khi được Hội LHPN huyện Gia Bình giao nhiệm vụ làm chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải, chị Nguyễn Thị Ngọc đã bắt tay vào làm, phân loại rác bằng chế phẩm vi sinh. Từ những kiến thức học được sau đợt tập huấn, chị đã tập ủ và mang ra bãi rác tập trung để thử nghiệm. Sau 1 tháng thử sử dụng IMO, bãi rác đã xẹp xuống khoảng 70%, mùi hôi thối không còn nữa. Bằng kết quả đó, chị đã triển khai phân loại rác tại nguồn tại hộ gia đình và các đoạn đường tự quản, tuyên truyền cho hội viên và người dân cùng phân loại rác để Chi hội mang rác đi xử lý.
Từ năm 2021 đến nay, chị Ngọc cùng Chi hội phụ nữ các thôn đã làm được hàng nghìn lít IMO nước để xử lý bãi rác tập trung và phát cho các hộ gia đình. Nhằm duy trì và đẩy mạnh phong trào, cứ 2 tuần một lần, chị cùng Chi hội tiến hành thu gom rác hữu cơ của các hộ đã phân loại đưa ra bãi rác tập trung để xử lý bằng vi sinh đậm đặc với lượng rác thải đạt 500kg/tuần. Tận dụng lượng phân bón trên bãi rác, chị cùng Chi hội đã trồng 50 cây các loại như dừa, hoa ban, hoa cúc, rau bí, đỗ…, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, được chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Sau một thời gian làm phân loại rác tại nguồn, chị thấy chưa khả quan nên mạnh dạn mang rác ra đầu bờ ủ bằng vi sinh, sau 1 tuần đã cho hiệu quả rõ rệt, rác xẹp và thành phân bón trực tiếp cho lúa và hoa màu. Cây sinh trưởng tốt, lúa chắc hạt, không phải dùng phân bón hoá học. "Trong quá trình thực hiện có những khó khăn là bà con lúc đầu chưa tin mình, đến khi cho kết quả từ bãi rác đến việc áp dụng vào trồng lúa, mía và chuối thì việc làm này đã được các cấp, các ngành tin tưởng. Hội viên cũng bắt đầu hưởng ứng", chị Ngọc chia sẻ.
Sau khi thực hiện tốt quy trình và có sản phẩm, chị Ngọc thực hiện bón 20 sào ruộng bằng phân vi sinh chuyển sang trồng lúa đã cho kết quả lúa sinh trưởng tốt, đạt năng suất 270 kg/sào.
Ngoài việc xử lý rác hữu cơ, chị Ngọc cùng Chi hội còn thu gom rau, củ, quả thừa của các hộ gia đình và chợ cóc trong thôn về ủ IMO và đầu cá để tạo thức ăn cho vật nuôi. Bằng nguồn vi sinh, chị đã sử dụng trong chăn nuôi với 200 con gà. Kết quả, gà xuất chuồng 6 tháng đạt trọng lượng 2,7kg/con.
Hội viên phụ nữ đánh giá cao cách làm của chị Ngọc và học theo mô hình của chị. Mô hình này cũng được cấp huyện và nhiều tỉnh như: Hải Dương, Ninh Bình, Đồng Nai, Đồng Tháp… đến học hỏi kinh nghiệm để xử lý rác và chuyển hoá vi sinh sang chăn nuôi, trồng trọt.