Người phụ nữ Đà Nẵng đầu tiên cắt tóc ngắn, đi xe đạp

24/04/2017 - 16:19
Với việc cắt tóc ngắn và sử dụng xe đạp đi lại trong thành phố, bà được ghi nhận là người phụ nữ có lối sống tân tiến nhất ở Đà Nẵng thời bấy giờ.

Tại Việt Nam, phong trào cắt tóc ngắn ở nam giới diễn ra vào đầu thế kỷ 20 và Quảng Nam là cái nôi đầu tiên trong cả nước. Việc cắt đi mái tóc đối dài đối với nam giới đã khó khăn như làm một cuộc cách mạng vì từ bao đời nay, người Việt thấm nhuần tư tưởng Nho giáo với búi tóc sau đầu. Thế mà lúc bấy giờ nữ giới Quảng Nam-Đà Nẵng đã phát huy phong trào cắt tóc ngắn với người đi đầu phong trào là nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa.

Một số nhân chứng cùng thời với Huỳnh Thị Bảo Hòa từng kể lại rằng, Bảo Hòa là một phụ nữ đẹp, nhưng đó là vẻ đẹp cứng cỏi, có cá tính chứ không phải lối yểu điệu thục nữ nơi khuê phòng như người ta vẫn thấy ở các tiểu thư con nhà ‘lá ngọc cành vàng’ thời bấy giờ. ‘Nước da trắng mịn, sống mũi thẳng, đôi mắt to sáng luôn nhìn như xuyên thấu vào người đối diện, đó là một khuôn mặt toát lên sự thông minh, lanh lẹ và bản lĩnh cao cường’ - Nhà nhiếp ảnh Phụng Ký từng nhận xét như vậy về nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa.

8.jpg
 Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa

Thời kỳ trước cách mạng, Huỳnh Thị Bảo Hòa từng được tín nhiệm cử giữ chức Hội trưởng Hội Phụ nữ Đà Nẵng. Bà đồng thời còn là một trong số 7 người phụ nữ đầu tiên ở Đà Nẵng tham gia Nữ công học hội và được cử làm hội trưởng. Với tác phong sôi nổi, Huỳnh Thị Bảo Hòa rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội. Bà kêu gọi chị em học chữ Quốc ngữ, đấu tranh đòi nam nữ bình quyền. Bà hướng dẫn chị em quen với lối sống mới. Để giúp chị em biết đi xe đạp, bà đã mang xe của nhà đến Hội để chị em tập. Bà dạy mọi người cách ăn ở sao cho khoa học, vệ sinh. Hội Lạc thiện Tourane và Công quán Tourane (nay là Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng) từng chứng kiến nhiều buổi bà đăng đàn diễn thuyết, cổ súy cho lối sống văn minh. Với uy tín của mình, khi cần quyên góp tài trợ cho đâu đó, chỉ cần Huỳnh Thị Bảo Hòa cất lời kêu gọi là chị em - nhất là chị em tiểu thương vui vẻ hưởng ứng liền.

Riêng với phong trào cắt tóc ngắn lúc bấy giờ, bà cảm nhận việc làm này của phái nam là đúng và đúng luôn cả với giới quần thoa. Rồi bà tự tìm tòi, nghiên cứu những chứng lý biện minh giới phụ nữ muốn tiến bộ cũng phải hớt tóc... Bà thực hiện ngay trên đầu mình, cắt phăng búi tóc sau gáy rồi đăng đàn diễn thuyết nhân cách người phụ nữ với nội dung hô hào chị em trong nước tự cải tiến đời sống và đặc biệt bà đã có bài “Trả lời phỏng vấn” của báo chí về hành động hớt tóc của bà.

Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa có bài trả lời phỏng vấn trên Báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1934 với tựa đề ‘Vì sao tôi cúp tóc?’. Trong đó bà lý giải nhiều lợi ích cho giới nữ về việc cắt tóc, về ích lợi về tinh thần, vệ sinh, vận động và thẩm mỹ. Bà nói đại ý việc cải tạo phụ nữ ta hiện thời không những về quyền lợi về trí thức, mà về hình thức cũng phải quan tâm cải cách. Trong đó có những đoạn bày tỏ ý tưởng mạnh dạn cải cách, canh tân, giải phóng những ràng buộc đối với phụ nữ về sở thích.

2.jpg
 Bà là người đi đầu trong phong trào cắt tóc ngắn ở Đà Nẵng những thập niên đầu thế kỷ 20, cũng là người phụ nữ đầu tiên khuyến khích chị em thực hiện lối sống văn minh, tân tiến lúc bấy giờ.

‘Tôi khởi sự cúp tóc từ đầu năm 1933, đến nay đã hơn một năm rồi, nhưng tôi chưa hề có đem sự này ra nghị luận, cổ động lên các báo chí. Vì bản ý tôi muốn tự khiêm, và có ý để cho chị em nữ giới ta có mắt thấy, có tai nghe, có trí phán đoán điều ích lợi phải trái, mà phê bình, mà thi hành, không cần phải ai bàn bạc cho thêm rườm nữa’. Bà lý giải: ‘Cúp tóc ngắn có hai điều ích lợi: 1) Thực hành một phần hình thức về vấn đề phụ nữ cải cách. 2) Cho được tiện lợi cả tinh thần và vật chất, hợp phép vệ sinh và không kém về phương diện mỹ thuật. Việc cải tạo phụ nữ ta hiện nay không những là chuyện về mặt quyền lợi và trí thức mà thôi, song về đường hình thức và vật chất cũng phải quan tâm lắm nữa, quyền bình đẳng, quyền tham chính tất có ngày phải đạt đến mục đích, nhưng hiện nay các quyền ấy vẫn còn trong thời kỳ lý tưởng, vả các quyền đó mà có thực hành được thì cũng phải nài xin, phải thỉnh cầu, vì quyền đó ở người, mà người ta có cho thì mới được. Đến như sự cải cách về hình thức đây mới thực là quyền tự do của cá nhân, ta không phải khó nhọc mà xin ai cho mới được.

Vì vậy cho nên, không những là một việc cúp tóc ngắn mà thôi, đến như các món thể thao, đi xe đạp và cải cách về phục sức như áo mặc, giày đi, hiện nay tôi cũng đang tìm cách sửa đổi cho hợp thời’. Hoặc đưa ra lý do: ‘Làm thợ thuyền trong xưởng máy móc, nếu tóc dài vô ý vướng vào máy thì không toàn tính mạng. Tập thể thao, đánh tennis, chơi ping pong, cởi xe đạp, nếu tóc dài lỡ xổ xuống thì làm ngăn trở ngượng nghịu biết bao?’. ‘Hiện thời phụ nữ các nước văn minh trong thế giới đều để tóc ngắn tất cả. Nay phụ nữ ta lẽ nào còn ngần ngại không dám quả quyết? Không có can đảm làm một việc cải cách rất có ích, rất hợp thời như vậy sao?’.

Thời ấy, việc nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa sau khi tìm hiểu lợi ích của việc cắt tóc xong là thực hiện ngay, không e ngại tứ thân phụ mẫu rầy la, quở trách, không đặt vào tai lời chỉ trích nông cạn của thiên hạ, hơn thế, lại đăng đàn diễn thuyết, hô hào phụ nữ cùng thực hiện với niềm tự tin son sắt. Có thể nói phụ nữ như bà cả nước chỉ có 1.

Ở Đà Nẵng, tên bà đã được đặt cho một con đường thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

Bài trả lời phỏng vấn của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa về việc cắt tóc ngắn trên báo Phụ Nữ Tân Văn và được báo Nam Phong tái đăng sau đó:

Tôi khởi sự cúp tóc từ đầu năm 1933, đến nay đã hơn một năm rồi, nhưng tôi chưa hề có đem sự này ra nghị luận, cổ động lên các báo chí. Vì bản ý tôi muốn tự khiêm, và có ý để cho chị em nữ giới ta có mắt thấy, có tai nghe, có trí phán đoán điều ích lợi phải trái, mà phê bình, mà thi hành, không cần phải ai bàn bạc cho thêm rườm nữa. Vả sự cắt tóc cũng có nhiều trường hợp. Cũng có người vì chán cuộc đời mà cắt tóc rồi tự đem mình vào am thanh cảnh vắng tu luyện lấy một phần riêng, hạng người cắt tóc như vậy thiết tưởng không ai phải quan tâm. Chí như người cắt tóc như tôi vì có ý nghĩa và có thể gọi là cắt tóc để vào đời (đời cải tạo), mục đích có khac với người cắt tóc chán đời, vì lẽ có khác nên có người chất vấn, đã có người chất vấn, tất phải có lời đáp lại, ấy là lẽ tất nhiên.

- Vì sao mà tôi cúp tóc?

- Cúp tóc ngắn có hai điều ích lợi:

1) Thực hành một phần hình thức về vấn đề phụ nữ cải cách.

2) Cho được tiện lợi cả tinh thần và vật chất, hợp phép vệ sinh và không kém về phương diện mỹ thuật.

Việc cải tạo phụ nữ ta hiện nay không những là chuyện về mặt quyền lợi và trí thức mà thôi, song le về đường hình thức và vật chất cũng phải quan tâm lắm nữa, quyền bình đẳng, quyền tham chính tất có ngày phải đạt đến mục đích, nhưng hiện nay các quyền ấy vẫn còn trong thời kỳ lý tưởng, vả các quyền đó mà có thực hành được thì cũng phải nài xin, phải thỉnh cầu, vì quyền đó ở người, mà người ta có cho thì mới được. Đến như sự cải cách về hình thức đây mới thực là quyền tự do của cá nhân, ta không phải khó nhọc mà xin ai cho mới được. Vì vậy cho nên, không những là một việc cúp tóc ngắn mà thôi, đến như các món thể thao, đi xe đạp và cải cách về phục sức như áo mặc, giày đi, hiện nay tôi cũng đang tìm cách sửa đổi cho hợp thời. Xin ai chớ hiểu lầm rằng tôi làm thế cốt để tô điểm cho dung nhan , nhưng thực thì tôi muốn thay đổi cho công thương kỹ nghệ được tiến bộ, nhưng đây tôi chỉ giải nghĩa việc ích lợi riêng về sự cúp tóc như quý báo Phụ nữ đã phỏng vấn.

Kinh nghiệm những sự thiệt hại về tóc dài?

Lúc tôi còn để tóc dài, trước khi ra đường phải mất thì giờ chải, gỡ và bới vấn đầu tóc cũng mất một giờ đồng hồ, mà có mau lắm cũng mất nửa giờ mới xong. Khi tắm gội thật là phiền phức và chải gỡ khó nhọc hơn hết, vì thế mà sự tắm gội ít lắm, thành thử hóa ra người không được sạch sẽ. Khi đau ốm, lúc lâm sản không thể gội chải được, chậm trong ít bữa rồi tóc rối mù và sinh ra chấy, gàu khôn xiết kể. Chị em thử tưởng tượng mà xem, sự cực khổ vì đầu chấy, tóc rối không thể nói được.

Còn đang khi vào bếp núc, làm bánh trái hoặc là bồng ẳm con thơ, rủi vô ý để tóc xổ xuống, thì làm cho lúng túng bận bịu hết sức, tay nào vấn tóc, tay nào bế con ?

Ra làm nghề nông đi cày cấy gồng gánh,bưng đội mà đầu tóc vướng víu thì khổ biết bao?

Làm thợ thuyền trong xưởng máy móc, nếu tóc dài vô ý vướng vào máy thì khôn toàn tính mạng. Tập thể thao, đánh tennis, chơi ping pong, cởi xe đạp, nếu tóc dài lở xổ xuống thì làm ngăn trở  ngượng nghịu biết bao?

Khi đấu sức với ai lở bị người ta nắm tóc thì thất thế vô cùng. Tóc bới ra đằng sau ót, khi nằm ngồi cấn, vướng khó chịu, nếu vấn tóc bằng khăn như chị em Bắc kỳ thì nặng nề và bực bội lắm. Vì đầu tóc làm bận bịu, lắm lúc tinh thần vì bực bội mà sinh ra ủ rủ. Rồi có thể vì đó mà sinh ra bệnh hoạn nữa.

Tôi suy nghĩ mãi, tự hiểu việc để tóc dài lượt thượt đã không có ích, mà có thể làm ngăn trở sự sinh hoạt của ta luôn luôn.

Vả hiện thời phụ nữ các nước văn minh trong thế giới đều để tóc ngắn tất cả. Nay phụ nữ ta lẽ nào còn ngần ngại không dám quả quyết? Không có can đảm làm một việc cải cách rất có ích, rất hợp thời như vậy sao?

Còn một điều ngăn trở lớn về phương diện luân lý buộc phải để tóc phòng sau khi báo hiếu trong lúc tang ma, nhưng tôi nghĩ sự hiếu là tự tâm chứ tóc dài hay ngắn thì can hệ chi ? Nhưng còn dư luận người đời dị nghị thì sao ? Ở một nước bán khai như nước ta, trực tiếp với một xã hội, nhất là xã hội phụ nữ chưa tiến hóa như ngày nay, mà trước khi muốn cải cách một việc gì về tinh thần hay là hình thức, thì cũng phải trải qua bao nhiêu sự trở lực có thể làm sờn lòng, rủn chí. Vậy ta cần phải có đủ can đảm và nghị lực để mà đối phó mà chiến đấu, cái lợi khí để chiến đấu với trở lực là lòng tự tin, chí quả quyết. Khi tôi đã nhất định rồi liền đem món tóc dài mượt đành cống hiến lưỡi kéo sắc xén đi cho gọn gàng và không để ý qua những lời dị nghị, những con mắt trô trố, nhìn chòng chọc vào cái đầu tóc ngắn của mình, mà thực hành cho đạt ý chí. Ngày nay quý báo phỏng vấn, tôi rất vui lòng mà giải bày mọi đều ích lợi đáp lại quý báo và trả lời chung cho các bạn phụ nữ.

Ích lợi sau khi cúp tóc ngắn?

Sau khi tôi hớt tóc ngắn rồi, thấy mình được gọn gàng mát mẻ, dễ gội, dẽ chải, tinh thấn khoan khoái, thân thể tỉnh tươi, đến nổi chị em quen biết bảo rằng tôi để tóc ngắn làm cho người thêm trẻ và dung nhan lại bội phần tăng tiến. Nhưng sự thật thì tóc ngắn, tiện cho khi đau ốm, lúc sản dục, khi làm lụng lúc nằm ngồi đều khỏi những sự phiền phức, năng gội chải hợp phép vệ sinh. Tóm lại thì cúp tóc ngắn có ích mà không có hại. Giả như các bà quý phái và các cô con gái khuê các thiên về phương diện mỹ thuật, nếu để tóc ngắn thì tiện bề trang sức lắm, vì tóc ngắn dễ chải, và muốn rẽ cách nào cũng tiện, cũng đẹp, có thể tôn thêm vẻ kiều diễm hơn món tóc dài mà búi vậy. Nếu chị em ai muốn uốn tóc quăn thì cũng hoàn mỹ lắm. Nhưng theo ý tôi nghĩ thì để tóc suôn tự nhiên là hơn, vì uốn tóc quăn làm cho mất bản chất thiên nhiên và tốn nhiều thì giờ vô ích.

Khi trước cũng có nhiều người quá lo về sự cúp tóc ngắn, vì sợ tốn nhiều tiền trang sức, điều này không quan hệ gì, vì tốn tiền nhiều hay ít là tự mình, chứ không phải tự tóc ngắn mà tốn hơn. Có nhiều chị em thấy tôi tóc ngắn mà răng nhuộm đen thì lấy làm khó hiểu mà hỏi ? Tôi trả lời rằng tôi vôn không có ý phản đối sự để răng trắng và tán thành việc nhuộm răng đen đâu. Đen trắng gì cũng vô hại cả, nhưng để răng trắng thì có lẽ hợp thời hơn, răng tôi vì đã chót nhuộm từ thuở còn thơ ấu theo lệ cũ, nay đem cạo đi có hại không ích gì. Cứ như lý thuyết nhà y học cho rằng lấy acide tẩy răng làm cho lớp men ngoài răng hư đi mau rụng. Vả răng đen nhờ có thuốc nhuộm mà răng ít bị sâu ăn, vả răng đen cũng có phần giản tiện, vì vậy nên tôi không sửa đổi đó thôi.

Tóm lại, việc tôi cúp tóc ngắn là có một tôn chỉ rất quang minh, có lợi ích rất mật thiết đến sự sinh hoạt, các hạng phụ nữ quý phái và bình dân ta đáng lưu tâm.

HUỲNH THỊ BẢO HÒA

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm