pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ đặt nền tảng cho đại số trừu tượng
Emmy Noether vào năm 1930
Amalie Emmy Noether là chị cả trong một gia đình Do Thái có 4 người con. Cha của bà là nhà toán học nổi tiếng Max Noether và các em trai của bà sau đó cũng trở thành những nhà khoa học có tiếng.
Cái tên "Amalie" của bà giống với tên mẹ và bà ngoại nhưng bà sớm chuyển sang sử dụng tên đệm và được gọi là Emmy Noether. Ngay từ nhỏ bà đã bộc lộ khả năng tư duy logic nhạy bén.
Tuy nhiên, vì là phụ nữ nên bà gặp nhiều khó khăn trong việc theo học các ngành khoa học lúc bấy giờ. Emmy lúc đầu định theo nghề dạy học tiếng Pháp và tiếng Anh sau khi thi đỗ kỳ thi tuyển nhưng rồi chuyển sang nghiên cứu toán ở Đại học Erlangen, nơi cha bà đang làm giảng viên.
Là 1 trong 2 sinh viên nữ duy nhất trên tổng số 986 sinh viên ở trường, bà chỉ được phép học ở một số lớp nhất định. Nếu muốn tham gia đủ các lớp thì bà phải có sự cho phép của giảng viên giảng dạy lớp đó. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, bà vẫn đỗ kỳ thi tốt nghiệp của trường vào tháng 7 năm 1903.
Năm 1903-1904, Emmy học tại Đại học Gottingen và tích cực tham dự các bài giảng của những giảng viên nổi tiếng. Sự xuất hiện của bà đã dẫn đến quyết định xoá bỏ quy định giới hạn phụ nữ theo học tại trường đại học này.
Theo quan điểm xã hội thời đó, phụ nữ không được chấp nhận làm việc ở các vị trí hàn lâm. Do đó, sau khi hoàn thành luận án tốt nghiệp năm 1907, bà phải làm việc không lương tại Viện Toán học Erlangen trong vòng 7 năm.
Kể cả khi được nhà toán học David Hilbert và Felix Klein mời gia nhập khoa Toán của Đại học Gottingen vào năm 1915, bà vẫn phải giảng dạy dưới tên của giáo sư Hilbert trong 4 năm sau đó.
Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc, cuộc Cách mạng Đức 1918-1919 mang lại sự thay đổi lớn trong quan điểm của xã hội, bao gồm việc thêm nhiều quyền cho phụ nữ.
Năm 1919, Emmy được cho phép viết luận án sau tiến sĩ và nhận được sự công nhận của chính phủ Đức. Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 nổ ra, Emmy bị trục xuất khỏi Gottingen và buộc phải di cư đến Mỹ để tránh chủ nghĩa bài Do Thái tại Đức. Ở đây, bà tiếp tục công việc giảng dạy của mình, mặc dù vẫn phải chịu sự phân biệt giới tính nặng nề.
Trong suốt cuộc đời mình, Emmy Noether đã đặt nền móng phát triển cho nhiều khía cạnh của toán học. Nhiều sinh viên được bà hướng dẫn cũng trở thành những nhà khoa học lớn. Năm 1932, bà và Emil Artin nhận Giải thưởng Ackermann-Teubner cho những đóng góp cho toán học.
Dù có công lao to lớn trong việc phát triển ngành Toán học thế giới, đây lại là giải thưởng duy nhất chính thức công nhận sự nghiệp Toán học của bà.
Emmy qua đời ngày 14/4/1935, hưởng dương 53 tuổi. Sau khi bà mất, nhiều người đã bày tỏ sự thương tiếc, trong đó có những nhà khoa học lớn như Albert Einstein hay Pavel Alexandrov. Để tưởng niệm Emmy Noether, "Hiệp hội phụ nữ trong toán học" đã tổ chức giải thưởng Noether hàng năm để vinh danh các nhà toán học nữ.
Đồng thời, Quỹ Nghiên cứu Đức cũng triển khai Chương trình Emmy Noether - học bổng hỗ trợ các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ngành Toán.