Người phụ nữ đoạn tuyệt ma túy: “Tôi nghĩ mình cần trả ơn đời”

Phạm Thương
14/01/2022 - 12:04
Người phụ nữ đoạn tuyệt ma túy: “Tôi nghĩ mình cần trả ơn đời”

Chị Vũ Ngọc Thúy Phương hiện là thành viên Ban bảo vệ dân phố phường 5 (quận Phú Nhuận, TPHCM) Ảnh: NVCC

Với những người từng sa chân vào ma túy, con đường trở về tưởng chừng nhiều gian nan, khúc khuỷu. Thế nhưng, với những ai chí thú phục thiện, quyết tâm đứng dậy sau vấp ngã thì lối về vẫn rộng mở. Chị Vũ Ngọc Thúy Phương, thành viên Ban bảo vệ dân phố phường 5 (quận Phú Nhuận, TPHCM), là một minh chứng.
Khép lại quá khứ buồn

Chị Phương từng có quá khứ lệ thuộc vào ma tuý. Vì hoàn cảnh nghèo khó nên chị phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Lúc đó chị có bạn trai nghiện ma túy. Với mong muốn giúp bạn trai cai nghiện nhưng vì thiếu kiến thức nên vô tình chị Phương cũng trở thành con nghiện. Tiếp đó chị nhiễm HIV và bị viêm gan siêu vi C. Chị Phương chứng kiến chị ruột của mình rơi vào hoàn cảnh tương tự và đã qua đời vì HIV. Điều này khiến chị có thêm quyết tâm tránh xa ma túy. Sau 8 lần cai nghiện, đến năm 2006, chị quyết làm lại cuộc đời.

Ngày trở về, chị được nhiều người quan tâm, từ Chi hội Phụ nữ khu phố, Hội LHPN phường và các đoàn thể địa phương. Cảm kích trước những tấm lòng đó, chị tình nguyện tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, chăm sóc những người trở về sau cai nghiện, người có H. Hiện tại, chị đang trực tiếp quản lý hai trường hợp hồi gia tại phường 5. Chị còn tích cực tham gia các hoạt động Hội phụ nữ, đồng thời tham gia hỗ trợ người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân lao…

"Hiện tại, tôi thấy cuộc sống của mình ổn định rồi. Dù công việc thu nhập không cao nhưng có ích. Địa phương cũng tạo thêm việc làm cho tôi để có thêm đồng phụ cấp. Nói chung các hoạt động liên quan đến xây dựng, bảo vệ và phát triển địa phương là tôi xung phong ngay. Vì tôi nghĩ mình cần trả ơn đời và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Vậy nên, mỗi khi có chị em từ trường, trại trở về địa phương, tôi đều tìm đến, động viên và tìm cách giúp đỡ. Là người từng trải nên tôi rất hiểu các bạn ấy. Lúc nào tôi cũng nghĩ họ là bạn, đối xử như người bạn thân và nhiệt tình hỗ trợ", chị Phương bộc bạch.

Những "người đồng cảm"

Công việc tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS, vận động cai nghiện, quản lý sau cai trong mùa dịch càng bận rộn hơn. Chị Phương chia sẻ: "Mùa dịch này nhiều người ở nhà hơn nên mình phải tranh thủ tiếp cận và tuyên truyền. Ngày thường, các đối tượng cần tuyên truyền ít khi ở nhà. Một số bạn có H lăn tăn về việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Ban đầu, các bạn lo sợ bản thân đang có bệnh, cơ thể đang yếu mà tiêm vaccine thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không. Từ đó, tôi đã tìm hiểu và hỏi thêm các chuyên gia, sau đó khuyến khích họ tiêm vaccine đầy đủ như mọi người. Tôi tư vấn cho chị em có H khi trở thành F0 phải xử trí ra sao. Tôi tìm hỏi những chị em trong nhóm "người đồng cảm" từng là F0 để hỏi triệu chứng như thế nào, có khác gì so với người bình thường hay không? Từ đó, tôi tổng hợp lại các kinh nghiệm của nhóm và tư vấn cho các bạn khác", chị Phương cho hay.

Với công tác hỗ trợ người nghiện ma túy, nhiễm HIV tái hòa nhập cộng đồng, chị Phương luôn có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Chị tiếp xúc với từng người bằng trái tim yêu thương và sự đồng cảm. Nhờ vậy, nhiều năm qua, chị luôn được nhiều người tin cậy và tìm đến để được giúp đỡ. Chị Phương bộc bạch: "Tôi từng là người sa chân vào ma túy nên tôi hiểu được những ám hiệu, từ ngữ của họ. Vậy nên tôi dễ dàng tiếp cận. Trong quá trình tiếp cận các đối tượng nghiện, tôi luôn linh hoạt, tác phong gần gũi thì các bạn ấy mới mở lòng, tin tưởng và nghe mình nói. Nhiều khi mình ghé nhà và mời bạn đó ra đầu hẻm uống cà phê nói chuyện. Mình tạo cảm giác thân thiện thì mới khai thác được thông tin, tìm hiểu nhu cầu của họ để chỉ dẫn cho họ. Mình phải giữ bí mật cho người đó thì họ mới nghe mình khuyên bảo và suy nghĩ tích cực hơn, xa dần tệ nạn".

Câu chuyện hoàn lương của chị Phương đã khẳng định rằng: Nếu có lòng quyết tâm và nghị lực thì không gì là không thể. Xã hội, cộng đồng luôn sẵn sàng đón nhận, giúp đỡ con đường hoàn lương của những mảnh đời lầm lỡ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm