Người phụ nữ may cờ mừng Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Bình Định - Phước Long
27/03/2025 - 12:21
Người phụ nữ may cờ mừng Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan bên lá cờ Tổ quốc do chính tay bà may cách đây nửa thế kỷ

Ngày 18/3/1975, khi Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại đình Lạc Giao giữa rừng cờ đỏ sao vàng, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và các thành viên trong tổ may cờ cảm thấy hạnh phúc dâng trào. Trong những ngày cả nước kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bà Ngọc Lan lại rưng rưng nhớ về ngày chiến thắng, với niềm vui khôn xiết.

Tham gia cách mạng từ lúc trẻ, lại có năng khiếu may vá nên năm 1966, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1942, tại xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, Bình Định) được phân công về Tổ may mặc, Ban Kinh tài của huyện H4 (nay thuộc khu vực huyện Krông Buk), tỉnh Đắk Lắk. Tổ có 3 người, gồm 1 tổ trưởng và 2 người may, bà Ngọc Lan là thành viên nữ duy nhất. Tổ vừa làm nhiệm vụ may cờ Tổ quốc vừa đảm nhiệm công tác hậu cần. 

"Ngày đó, nguồn nguyên liệu rất khan hiếm. Để có vải và các dụng cụ may, tôi và các thành viên trong tổ thường xuyên phải xuống địa bàn, liên hệ với cơ sở của ta trong vùng địch để mua hộ. Điểm tập kết vải chính là Đồn điền Rosi. Khi cơ sở báo ra, nếu địa điểm được an toàn, không có lính mai phục thì mọi người trong tổ bí mật đi lấy vải về, có khi, đang đi mà bị lộ thì phải tìm cách rút lui", bà Ngọc Lan nhớ lại.

Đầu năm 1971, trong một lần đi lấy vải, bà Lan bị địch phục kích, bắn vào chân, để lại thương tật 22%. Dù bị thương nhưng bà vẫn lấy và mang vải về an toàn. 

"Ngày đó, đội chỉ có 1 chiếc máy may nhưng may nhanh lắm. Cái khó nhất vẫn là việc mua và vận chuyển vải từ vùng địch về, bởi đi đâu cũng gặp tai mắt của địch, mua nhiều là bị chú ý, xét hỏi, hơn nữa lại là vải đỏ và vàng dùng để may cờ, nên địch càng chú ý", bà Lan nhớ lại. 

Địa điểm cất giấu và nhận vải thường là trong rẫy cà phê. Để che mắt địch, ta quy ước cất vải xuống gốc cà phê, dùng lá cà phê phủ lên. Mỗi khi có động, hay khu căn cứ bị địch càn, các thành viên trong tổ phải cất giấu đồ đạc bằng cách ngụy trang rồi mới rút, nhờ vậy mà bảo đảm được các kho dự trữ vải. Khó khăn là vậy nhưng tổ vẫn luôn bảo đảm may cờ Tổ quốc đúng chuẩn kích cỡ, dài 120 cm và rộng 80 cm, ngôi sao vàng có chiều ngang 40 cm.

Người phụ nữ may cờ mừng Chiến thắng Buôn Ma Thuột- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng thế hệ trẻ lực lượng vũ trang tỉnh thăm Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk

Để may được cờ giữa sự kiểm soát nghiêm ngặt của địch, việc tìm nguyên liệu, may đã vất vả, nhưng khi may cờ xong, việc bảo quản cũng vất vả không kém. Tổ công tác phải mang cờ Tổ quốc đi nơi khác giấu để địch không phát hiện, nếu có truy quét. Nơi giấu cờ an toàn được tổ công tác lựa chọn là dọc các con suối, bỏ cờ Tổ quốc vào túi, đặt cờ bên dưới rồi lấy đá đè lên.

"Khi nhận nhiệm vụ may cờ Tổ quốc, tôi rất bỡ ngỡ vì trước đó chưa từng được cầm trên tay, cũng chưa biết kích thước phù hợp và cách may sao cho chuẩn. Ban đầu, tôi lấy giấy ra cắt, ước lượng chiều dài, chiều rộng, sau đó, cắt ngôi sao 5 cánh thật đều rồi lấy cơm nguội dán vào chính giữa để mường tượng ra được lá cờ Tổ quốc. Khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, tôi vừa vui vừa xúc động…".

Nguyễn Thị Ngọc Lan

Nhớ lại những ngày tháng 3/1975 khi quân và dân ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, bà Lan không khỏi xúc động, tự hào. 

"Vào khoảng đầu tháng 2/1975, chúng tôi được lệnh may cờ đỏ sao vàng liên tục. Lúc đó, mọi người chưa nghĩ là có chiến dịch lớn sẽ diễn ra trên địa bàn. Ba người trong tổ may suốt ngày, đến đêm lại thắp đèn dầu để làm việc, cứ 3-4 ngày thì được khoảng 100 lá cờ, làm được bao nhiêu lại có người trong đội công tác đến và mang đi. Trước đó, năm 1968 mọi người cũng may rất nhiều cờ nên lần này ai cũng thắc mắc nhưng không ai hình dung là sẽ được may những lá cờ trong trận tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột. Đêm 10/3/1975, khi nghe tin trên radio về chiến thắng Buôn Ma Thuột, mọi người vỡ òa trong niềm vui. Tuy nghe tin giải phóng nhưng tổ may chúng tôi vẫn đề phòng, bảo quản kho lương thực, thực phẩm. Phải đến ngày 15/3/1975, khi được lệnh về tiếp quản huyện Krông Buk, cả tổ mới vui đến trào nước mắt. Ngày 18/3/1975, khi Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại đình Lạc Giao giữa rừng cờ đỏ sao vàng, chúng tôi ai nấy hạnh phúc dâng trào. Niềm vui chiến thắng đã trở thành sự thật. Những lá cờ mà chúng tôi miệt mài may trong bao năm đã tung bay trong ngày mừng đại thắng", bà Ngọc Lan chia sẻ.

Đã 50 năm trôi qua, người phụ nữ may cờ năm nào vẫn nâng niu, gìn giữ cẩn thận lá cờ Tổ quốc do chính tay mình may trong ngày giải phóng Buôn Ma Thuột như một kỷ vật quý giá.

"Năm 2020, vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, theo kế hoạch, tôi và một số đồng đội sẽ được đi thăm một số nơi tại TPHCM nhưng rồi dịch Covid-19 khiến kế hoạch phải dừng lại. Năm nay sức khoẻ không còn được như trước nhưng chúng tôi vẫn mong mỏi được 1 lần đi thăm những nơi mà với tôi rất có ý nghĩa. Đó là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (nơi trưng bày lá cờ do bà Lan may cách đây 50 năm và tặng lại vào năm 2019 - PV); thăm Hội trường Thống Nhất và một số nơi từng là cơ sở cách mạng", bà Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm