Hơn hai tuần qua, bà Vi Thị Kiên (60 tuổi) ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang khăn gói về Cần Thơ theo học ngành Luật của Đại học Cần Thơ. Bà cho biết rất ham học và mơ ước ngồi ghế giảng đường đại học từ nhỏ. Tuy nhiên hồi đó do hoàn cảnh khó khăn và chiến tranh nên bà chỉ học đến hết tú tài nhất (lớp 11) thì phải nghỉ.
Sau năm 1975, bà được học bồi dưỡng rồi trở về địa phương dạy tiểu học và đứng lớp bình dân học vụ. Bà lập gia đình, lần lượt sinh 4 người con (3 trai, 1 gái).
Ba năm trước, khi các con đều ăn học thành tài và thành lập gia đình, bà Kiên quyết định thực hiện ước mơ của mình. Bà đến phòng Giáo dục huyện Tri Tôn và Sở Giáo dục An Giang, nhờ người tìm được hồ sơ và đăng ký học tiếp tục lên cấp 3 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Cuối năm học 12 vừa qua, bà Kiên đạt điểm trung bình các môn là 7,2. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017, bà Kiên đạt điểm xét tốt nghiệp 6,78.
Để thực thiện ước mơ đèn sách, bà Kiên nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Luật, hệ vừa học vừa làm Đại học Cần Thơ và trúng tuyển. "Tôi mừng muốn khóc khi biết mình đậu đại học, ước mơ 40 năm trước đang dần thành hiện thực nên phải cố gắng tối đa để hoàn thành", tân sinh viên tuổi 60 chia sẻ.
Bà lên Cần Thơ ở nhà người con trai, bắt đầu đời sinh viên. Hiện mỗi tuần, lớp của bà học các tối thứ hai đến thứ bảy. Đây cũng là sinh viên có tuổi lớn nhất lớp, đa số từ 20 đến 35 tuổi. Nguồn: vnexpress.net)
Bình Dương: Gần 400 công nhân phải nhập viện nghi do ngộ độc
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương vừa có báo cáo nhanh về vụ việc gần 400 công nhân bị nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 30/8 vừa qua tại Công ty TNHH Lode Star ở phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương.
Theo đó, sau bữa ăn trưa, trong khoảng thời gian từ 13h30 đến 19h ngày 30/8, tổng cộng có 399 công nhân của Công ty Lode Star có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu. Một số ít công nhân bị nôn đã được đưa đến bệnh viện và các phòng khám lân cận để khám, theo dõi. Đến 21h30 cùng ngày, các công nhân đã được xuất viện.
Theo kết quả điều tra nhanh, trong bữa ăn trưa 30/8, công ty có hơn 1.000 công nhân ăn các món gồm cơm, canh mồng tơi và mướp, dưa leo xào, cá khô chỉ vàng sốt me, gà kho gừng, đậu hũ chiên.
Đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phảm tỉnh Bình Dương phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên đang tiếp tục điều tra để tìm nguyên nhân và tác nhân gây ngộ độc nếu có. (Nguồn: vov.vn)
Thái Nguyên: Ô tô diễu hành phản đối trạm BOT Bờ Đậu
2 ngày qua, nhiều ô tô của người dân sống gần trạm thu phí BOT Bờ Dậu (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) tập trung và dán biểu ngữ lên xe, diễu hành phản đối trạm. Nhiều người dân cho rằng, đường làm ở một nơi nhưng trạm thu phí đặt một nẻo.
Cụ thể, từ sáng sớm ngày 30/8, một số xe tải loại từ 1,5 đến 3,5 tấn đã tập trung trên QL3 đoạn gần trạm thu phí Bờ Đậu để dán biểu ngữ. Tuy số lượng xe được dán chỉ trên dưới 10 xe nhưng số lượng người tập trung đi theo xe hoặc tập trung tại trạm thu phí Bờ Đậu lên đến vài trăm người. Với nội dung: “Đề nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bờ Đậu”, “Làm BOT ở đâu thu phí ở đó…
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75 - Km 100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Sau 2 năm thi công, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành và nhà đầu tư đang triển khai việc thu phí thử nghiệm với mức 35.000 đồng/lượt ô tô dưới 9 chỗ.
Việc vị trí đặt trạm cũng như mức phí mà người dân ven QL3 phải đóng quá cao (bằng với đi cả lượt trên cao tốc), gây bức xúc trong dư luận nhân dân dẫn đến biểu tình phản đối. Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết, chính quyền địa phương đã làm việc với nhà đầu tư để đưa ra các giải pháp, trong đó có phương án giảm phí cho phù hợp với điều kiện của người dân địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo Tiền Phong, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Cienco4 cho biết, mức phí 35.000 đồng/lượt mới là dự kiến và thực tế trạm chưa thu phí phương tiện qua lại. Tuy nhiên do bà con và chính quyền địa phương có ý kiến, nên nhà đầu tư đã đề xuất liên Bộ GTVT - Tài chính có phương án giảm phí qua trạm cho phương tiện người dân địa phương. (Nguồn: tienphong.vn)
Người phụ nữ mang 6000 viên thuốc lắc về Hà Nội tiêu thụ
Thông tin ban đầu, vào khoảng 22h15 ngày 30/8, tại khu vực Cống Am thuộc địa bàn xã Cẩm Hoàng (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Công an huyện Cẩm Giàng cùng các đơn vị nghiệp vụ phát hiện một xe taxi mang BKS: 99A-091.xx đang lưu thông theo hướng Hải Dương- Bắc Ninh có biểu hiện nghi vấn, nên đã ra hiệu lệnh cho lái xe dừng phương tiện.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong bục ghế sau xe taxi do Nguyễn Bá L (SN 1987, trú tại xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) điều khiển chở theo Trần Thị Kim Thu (SN 1981, ngõ Vạn Ứng, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội) giấu 6 túi nilon màu trắng có kích thước 15x20cm.
Ban đầu, cơ quan chức năng xác định, bên trong chứa khoảng 6000 viên nén màu xanh hình tròn nghi là thuốc lắc nên đã bắt giữ các đối tượng để phục vụ công tác điều tra.
Tại cơ quan điều tra, Thu khai nhận các viên nén màu xanh bị thu giữ là thuốc lắc được mua ở Hải Phòng với giá 900 triệu đồng về bán để kiếm lời.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra mở rộng. (Nguồn: vov.vn)