Người phụ nữ quyền lực của gã khổng lồ Pepsi

02/11/2016 - 15:56
Chủ tịch kiêm CEO của Pepsi đã trở thành người phụ nữ truyền cảm hứng thực sự cho hàng triệu cô gái trẻ tại Ấn Độ cũng như trên thế giới, những người đang hàng ngày nỗ lực để khẳng định bản thân trong xã hội.

Indra Krishnamurthy Nooyi, sinh năm 1955 tại Madras (thủ phủ của bang Tamil Nadu, hiện được gọi là Chennai), Ấn Độ. Cha bà từng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Hyderabad.

Từ khi còn nhỏ, bà và em gái đã được mẹ chuẩn bị chu đáo về tư tưởng và lối sống trong môi trường truyền thống của xã hội Ấn Độ. Gia đình mong muốn Indra Nooyi sẽ trở thành một phụ nữ như bao phụ nữ Ấn Độ khác. Đó là cần cù chăm chỉ nội trợ và tuân thủ những giá trị xã hội đạo đức truyền thống.

2.jpg
Chân dung bà Indra Nooyi - Chủ tịch kiêm CEO của PepsiCo.

Tuy vậy, từ bé, Indra Nooyi đã là một cô bé cực kỳ cá tính, thông minh, học giỏi và muốn có gì đó tự do hơn như những phần lớn bạn gái khác. Với Indra Nooyi, những phong tục, cả cách sống và nếp nghĩ truyền thống có gì đó quá khắc nghiệt. Indra Nooyi say mê chơi môn thể thao cricket, bất chấp cái nhìn dè bỉu của không ít người. Không chỉ thế, Indra Nooyi còn là thành viên cuồng nhiệt của một ban nhạc rock toàn là nữ. Dù không tiếp xúc với phương tây nhưng dường như phong cách sống của bà lúc trẻ đã có thiên hướng như vậy.

Tại Ấn Độ, Indra đã có bằng cử nhân vật lý, hóa học và toán học tại Trường đại học Thiên chúa giáo Madras (Madras Christian College) vào năm 1974. Sau đó Nooyi tiếp tục theo học thạc sĩ quản trị - kinh doanh ở Viện Quản lý Calcutta (Indian Institute of Management Calcutta), một trong mấy trường đại học danh tiếng nhất Ấn Độ và tốt nghiệp năm 1976. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại Ấn Độ, với vị trí quản lý sản phẩm tại Johnson & Johnson và Mettur Beardsell, một công ty dệt may trong 2 năm.

5.jpg
 Từ khi còn nhỏ, bà đã là người thông minh, cá tính, không giống với những bạn gái cùng trang lứa.

Để theo đuổi việc học, Indra quyết tâm đến Mỹ chỉ với số tiền ít ỏi. Năm 1978, Nooyi dự thi chương trình thạc sĩ và đỗ vào Đại học Yale ở Mỹ. Để tiếp tục cho việc nghiên cứu của mình tại đây, bà bắt đầu công việc của một nhân viên lễ tân từ nửa đêm cho đến sáng.

"Đó là năm 1978. Tôi đến Mỹ với tất cả những gì mình có là 500 USD và một học bổng từ Đại học Yale. Là một người nhập cư, tôi đã phải làm tất cả mọi việc để có thể tiếp tục học hành", Indra Nooyi nhớ lại.

Ngoài ra, hành trang bà mang theo còn có những lời răn dạy của ông bà. "Bài học lớn nhất mà ông bà dạy cho tôi là nếu được giao một việc gì đó, phải làm nó cho thật tốt và tự hỏi mình đã làm hết khả năng hay chưa. Bài học thứ hai, ông muốn tôi trở thành một sinh viên suốt đời. Những điều mình chưa biết luôn lớn hơn cái đã biết", Indra Nooyi hồi tưởng.

Vào học tại Mỹ, Indra Nooyi mới càng biết rằng mình không chỉ là một cô cử nhân Ấn Độ rất nghèo về tài sản mà còn nghèo cả về kiến thức. Đặc biệt, Indra Nooyi rất ấn tượng bởi chương trình học ở đây rất khác với những gì đã học ở Ấn Độ. Nội dung học sát với thực tế, mục tiêu học là áp dụng các kiến thức vào thực tiễn kinh doanh.

Sau hai năm theo học, Nooyi nhận bằng thạc sĩ về quản lý công và tư. Thời gian học ở Đại học Yale, bà hoàn thành khóa thực tập tại Booz & Company, một công ty tư vấn chiến lược và quản lý toàn cầu.

6.jpg
 Bà đã làm việc ở nhiều công ty trước khi đến với Pepsi.

Sau khi hoàn tất khóa học tại Đại học Yale, bà làm việc cho Tập đoàn Tư vấn Boston (The Boston Consulting Group). Bà đã phải làm việc chăm chỉ hơn so với phần lớn các đồng nghiệp, bởi muốn chứng minh giá trị của mình và do không phải là người Mỹ. Indra khiến cho các đồng nghiệp nam giới người Mỹ phải có cái nhìn khác về một phụ nữ nhập cư.

Dường như tất cả những khó khăn, bất lợi không những không thể ngăn cản, mà còn là động lực giúp Indra có những bước tiến nhanh chóng trong sự nghiệp. Sau 6 năm làm ở tập đoàn Boston với cương vị giám đốc dự án. Đến năm 1986, bà chuyển sang Tập đoàn Motorola với vị trí phó chủ tịch kiêm Giám đốc kế hoạch và chiến lược công ty. Năm 1990, bà rời khỏi Motorola và làm việc Asea Brown Boveri, một doanh nghiệp Mỹ đến năm 1994.

Đến năm 1994, Indra Nooyi nhận được hai lời mời gọi từ Pepsi và General Electric. Bà đánh giá CEO của General Electric là một trong những CEO vĩ đại nhất thế giới, nhưng quyết định chọn Pepsi vì cảm thấy nơi đây thật sự cần mình. Sự thay đổi này đã mang lại bước ngoặt cho sự nghiệp của Nooyi.

Khi bước chân vào gia đình Pepsi năm 1994, Nooyi được giao nhiệm vụ thiết kế hình ảnh của công ty trong vòng 10 năm tiếp theo. Nhờ Nooyi, Pepsi đã hoạch định lại con đường đi của họ.

4.jpg
 Kiên cường biến những khó khăn thành động lực, Indra Nooyi trở thành một trong những CEO quyền lực nhất thế giới.

Với những nỗ lực của mình, Nooyi được giao chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính năm 2001. Đến 2006, bà trở thành CEO thứ 5 và là nữ CEO đầu tiên trong lịch sử 44 năm phát triển của hãng đồ uống này. Những năm gần đây, bà liên tục lọt vào danh sách những nữ CEO quyền lực nhất và được trả lương cao nhất thế giới.

Nooyi luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với nước Mỹ, nơi đã cho bà nhiều cơ hội và hy vọng sẽ có ngày được trả ơn cộng đồng. "Giờ đây, mỗi ngày qua đi tôi đều tự hỏi mình: Liệu tôi có xứng đáng làm CEO của công ty này hay không", nữ doanh nhân gốc Ấn chia sẻ.

Tuy bận rộn với công việc nhưng bà luôn dành thời gian cho gia đình và người thân. Bà thường xuyên gọi điện về cho mẹ mình ở  Ấn Độ hai ngày một lần. Có lần bà từng nói với phóng viên BBC: “Vào cuối ngày, tôi luôn tự nhắc nhở mình: Hãy đừng quên rằng bạn là một con người, một bà mẹ, một người vợ và một cô con gái”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm