pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ quyên tặng gần 250kg sữa mẹ trong đại dịch Covid-19
Sữa mẹ trong đủ đông dùng cho việc quyên tặng của cô Katy Bannerman. Ảnh: CNN
Theo chia sẻ của Bannerman, cô được truyền cảm hứng từ chính bản thân mình để hiến tặng lượng sữa mẹ dư thừa mà cô không dùng đến. Sau khi sinh con trai đầu lòng, Katy Bannerman phải vật lộn với các vấn đề về tiết sữa mẹ. Nhưng khi mang thai đứa con thứ hai, Bannerman quyết tâm vượt qua tình trạng này.
Sau khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia tư vấn, cơ thể Bannerman bắt đầu cho ra quá nhiều sữa, có khi lên đến 90 ounce (khoảng 2,5 kg) sữa mẹ trong một ngày. Vì vậy, cô quyết định quyên góp phần sữa mẹ dư của mình để giúp đỡ những bà mẹ đang gặp khó khăn như cô trong lần sinh con đầu tiên.
Bannerman cho biết: "Đó là những người mà tôi muốn giúp, những bà mẹ vì lý do này hay lý do khác phải vật lộn với việc nuôi con bằng sữa mẹ".
Katy Bannerman đã gặp vấn đề thiếu sữa mẹ khi sinh đứa con đầu lòng, nhưng tình trạng này đã cải thiện rõ rệt ở đứa con thứ hai.
Lúc đầu khi cơ thể cô tiết ra quá nhiều sữa, Bannerman không biết phải làm gì với lượng sữa còn dư thừa. Cô tìm đến các nhóm Facebook, nơi các thành viên nữ thảo luận các vấn đề xoay quanh việc nuôi con và cho con bú, bao gồm cả việc kêu gọi quyên góp sữa mẹ.
Bannerman đã đăng bài về nguồn sữa dư thừa của mình và nhận được rất nhiều tin nhắn quan tâm từ các bà mẹ khác.
"Tôi rất hạnh phúc khi có thể quyên góp sữa mẹ cho những người cần chúng. Có thời điểm tôi còn tặng sữa cho những người nhất định, họ sẽ đến mỗi tuần", cô nói.
Một trong những gia đình nhận sữa quyên góp từ cô Bannerman gần đây đã nhận nuôi một em bé và đang cần sữa mẹ. Một gia đình khác có một bé mắc chứng chậm phát triển, khiến cân nặng thấp hơn đáng kể so với những đứa trẻ cùng tuổi khác. Tuy nhiên nhờ nguồn sữa mẹ của cô Bannerman có hàm lượng chất béo cao đã giúp em bé tăng lượng calo và tăng cân nhanh hơn.
Được biết, trong thời gian qua, cô Bannerman đã đứng ra quyên tặng được 62 galông (tương đương 241,8 lít) sữa mẹ cho những trẻ sơ sinh cần sữa.
Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh có khoảng 60% các bà mẹ ngừng cho con bú sớm hơn mong muốn, với lý do các vấn đề về tiết sữa, thiếu sự hỗ trợ của gia đình, lo lắng về cân nặng và dinh dưỡng của con cũng như các yếu tố khác. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu tiên, nhưng thực tế chỉ có khoảng 25% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này.
Lúc mới sinh con đầu lòng, Bannerman chỉ có thể cho con bú trong hai tháng. Cô cho biết: "Tôi không thể cho con bú như tôi muốn và điều đó thật kinh khủng."
Cảm thấy bản thân là một người thất bại, Bannerman quyết tâm tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia tư vấn với lần sinh con thứ hai. Sau khi khắc phục thành công các vấn đề về tiết sữa của mình, Bannerman hiện khuyến khích phụ nữ tìm kiếm tất cả các nguồn sữa sẵn có cho nhiều bà mẹ.
Bannerman nói: "Đó là lý do tại sao đối với tôi việc tặng sữa mẹ lại rất quan trọng. Điều đó giúp nhiều phụ nữ vẫn có thể chăm sóc bản thân và chăm sóc con mà không phải chịu cảm giác tội lỗi".
Theo thông tin, Bannerman đã tặng nguồn sữa cuối cùng vào tháng 12 năm ngoái.