Từ tình yêu trẻ nhỏ
Chị Phạm Thị Quy, dân tộc Tày, kể, ở địa bàn chị sống, bà con vẫn làm một số loại bánh từ chuối, nhưng chỉ để ăn trong gia đình vì bánh hấp/ chiên không để được lâu. Chị và một số chị em khác đã nghĩ đến việc làm chuối sấy, dấm chuối, rượu chuối… để tăng giá trị của cây chuối vốn gắn liền với đời sống của người dân.
Tháng 10/2017, mọi người bàn nhau để chọn sản phẩm gửi tham dự Ngày hội hạnh phúc. Chị lập tức nghĩ tới một sản phẩm làm từ quả chuối nhưng phải là sản phẩm khác lạ, trước đến giờ chưa có ai làm.
Chị nghĩ đến những đứa trẻ dân tộc thường háo hức và không giấu nổi niềm vui khi được cầm trên tay gói bim bim - thứ quà vặt vốn không lạ với trẻ thành phố. “Nghĩ đến đó, tôi muốn làm bim bim chuối phục vụ trẻ con” - chị Quy hào hứng chia sẻ.
Sản phẩm mang đi dự thi và đạt giải khuyến khích cấp tỉnh. “Hồi đó, sản phẩm làm hoàn toàn thủ công, chuối thái tay nên dày bịch, ăn chưa ngon như bây giờ” - chị Quy nhớ lại - “Hôm nghĩ tới việc làm bim bim cho trẻ con, tôi đã ra vườn hái hai quả chuối xanh vào và thử làm. Đầu tiên là ngâm nước muối, chuối xanh ra nhiều nhựa lắm. Khi làm sạch xong thì thái lát và chiên giòn. Ăn thử thấy cũng ngon, giòn lạ.”
Sau mẻ thử nghiệm từ 2 quả chuối xanh, chị Quy bắt đầu làm để mọi người ăn thử. Ai ăn cũng thích và góp ý nhiệt tình nên sản phẩm dần hoàn thiện hơn.
Để có gói bim bim chuối giòn tan với cả vị mặn và ngọt như bây giờ, chị đã phải bỏ đi bao nhiêu mẻ chuối vì nóng lòng muốn thành công, vì chiên quá lửa… Với chuối dẻo, chị cũng từng đứt ruột khi cả mẻ từ 25 đến 27kg (1 đến 1,4 tạ chuối tươi) hỏng vì bị chát.
“Trong tất cả các công đoạn thì chiên chuối vẫn là khâu khó nhất. Sau gần 2 năm làm sản phẩm, đến giờ cũng chỉ có 2/6 thành viên trên nhóm có thể đảm nhiệm khâu này vì chỉ có thể cảm nhận sản phẩm bằng mắt nhìn và kinh nghiệm của bản thân” chị - Quy cho biết.
Những khâu khác tuy không phức tạp nhưng lại vất vả. Khâu sơ chế, người làm lúc nào cũng phải ngâm tay trong nước muối, rửa thật nhiều nước để chuối sạch nhựa. Vừa nói, chị Quy vừa vạch vạt áo sơ mi bên ngoài, chỉ vào chiếc áo phông bên trong màu đã loang lổ vì dính đầy nhựa chuối, không giặt sạch được. “Dù cẩn thận thế nào cũng không tránh được vì chuối nhiều nhựa lắm!”.
Chị Quy chia sẻ, luôn muốn cố gắng để bim bim chuối đến tay khách hàng với giá rẻ nhất nhưng đây cũng là việc khó bởi toàn bộ quy trình đều làm thủ công, chỉ có khâu thái lát là có máy móc hỗ trợ. Chị có thêm động lực vì những tín hiệu vui từ thị trường khi ngoài việc đồng áng, cả 6 chị em trong nhóm tháng nào cũng có việc làm đều đặn, sản xuất 15-20kg bim bim chuối/ngày (tháng làm khoảng 15 ngày). Bim bim lúc nào cũng phải đảm bảo là hàng mới, mang tới nhiều hội chợ của tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội… đều nhận được phản hồi tốt, thậm chí có cả khách hàng nói muốn nhập hàng sang Hàn Quốc…
Cuộc sống thay đổi
Chị Phạm Thị Quy lập gia đình năm 1988. Hồi đầu sống chung cùng gia đình chồng, với quan niệm việc đàn ông – việc phụ nữ, chị không bao giờ dám nhờ chồng giúp việc nhà, dù vất vả cũng cắn răng mà làm.
Sau này, vợ chồng ở riêng, chị bắt đầu phân tích để chồng hiểu, chồng nên quan tâm chia sẻ việc nhà để vợ đỡ vất vả.
Chị vận động chồng cùng tham gia lớp tập huấn về bình đẳng giới. Mọi chuyện cũng thay đổi nhiều khi chị đã được đến chia vui ở các đám cưới, điều trước đây không bao giờ có.
Người dân tộc Tày vẫn giữ nếp cũ, đàn ông là người nắm giữ tài chính trong nhà. Tuy nhiên, vì không biết tính toán chi tiêu nên kinh tế gia đình không khá lên được, chị phân tích để chồng giao cho mình "tay hòm chìa khóa”. “Tất nhiên, tôi đều bàn bạc với chồng trước khi chi tiêu. Kinh tế ổn định, có tiền nuôi các con ăn học và mới đây còn xây được nhà mới” - chị Quy vui vẻ khoe.
Hiện tại, chồng tôi còn giúp vợ trông nom vườn chuối hơn 2 hécta và những việc khó như thu hoạch, chặt chuối trên đồi… Vì đường vào vườn chuối khó đi, thưa dân, sức đàn ông có thể chở cả tạ chuối mỗi chuyến, còn phụ nữ tay yếu chở giỏi lắm cũng chỉ được khoảng 40-50kg.
Ngày mới của chị Quy bắt đầu từ 5h30 và hôm nào cũng 22h30 mới kết thúc công việc. Chị nói, giờ các con đều đã trưởng thành, công việc tuy vất vả nhưng chị thấy cuộc sống rất vui và ý nghĩa vì có chồng đồng hành, chia sẻ…