pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ từng mang bức ảnh lịch sử của Bác Hồ từ Thái Lan về trao tận tay Người

Bà Nguyễn Thị Cúc lưu giữ bức ảnh Bác đón tiếp gia đình luật sư Francis Henry Loseby - ân nhân của Người
Ở tuổi 98 nhưng bà Nguyễn Thị Cúc vẫn minh mẫn nhắc lại chi tiết những cảm xúc của mình khi lần đầu được gặp Bác. Một cảm xúc đặc biệt mà bà đã không kìm được những giọt nước mắt. Bà Cúc còn nhớ lúc ấy Bác ân cần mỉm cười và nói: "Con gái Nam bộ đây à!".
Đó là những ngày đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc, sau khi bà Nguyễn Thị Cúc cùng tất cả cán bộ Phái viên quán của Chính phủ Việt Nam tại Thái Lan trở về sau khi có những biến động chính trị ở Thái Lan, phe ủng hộ Việt Nam đã không còn nắm quyền. Đây là một hành trình dài vòng qua Myanmar, Hongkong, Trung Quốc rồi mới về tới được chiến khu Việt Bắc. Chuyến trở về này do ông Nguyễn Đức Quỳ, người đứng đầu Phái viên quán tại Thái Lan, dẫn đầu. Đoàn còn có nhiệm vụ đưa tất cả phu nhân, con cái của các lãnh đạo Lào lúc bấy giờ tị nạn tại Thái Lan cùng về chiến khu Việt Bắc. Sau đó sẽ đưa về Lào sao cho an toàn nhất.

Bức ảnh lịch sử của Bác trong hồ sơ kết án tử hình của thực dân Pháp lưu ở Đại sứ quán Pháp tại Thái Lan. Lúc ấy, Bác lấy sử dụng tên Tống Văn Sơ
Bà Cúc kể lại: "Nhiệm vụ chung là vậy, riêng tôi còn có nhiệm vụ mang một bức ảnh đặc biệt về trao tận tay Bác. Bây giờ, đó là một bức ảnh lịch sử". Theo bà Cúc, bức ảnh nằm trong hồ sơ mà Người bị thực dân pháp kết án tử hình được lưu tại Đại sứ quán Pháp ở Bangkok, Thái Lan. Thời điểm đó, Bác lấy tên là Tống Văn Sơ. Có một Việt kiều là nhân viên của Đại sứ quán Pháp tại Bangkok vì cảm mến mà lấy trộm bức ảnh để gửi cho Phái viên quán Việt Nam. Cho đến khi phải thu dọn tất cả hồ sơ, tài liệu để trở về Việt Bắc thì bức ảnh hiếm hoi của Bác là một tư liệu quý giá mà bà Cúc luôn cất giữ kỹ lưỡng suốt hành trình, trông đến ngày trao tận tay Bác.
Bà Cúc hồi tưởng: "Sau khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn Lào về, một buổi sáng giữa núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ đến thăm các phu nhân và các cháu Lào. Bác dặn dò Bộ Ngoại giao chuẩn bị tốt việc tổ chức cho đoàn về Lào một cách an toàn. Lúc Bác ra về, tôi đến trao cho Bác bức ảnh Tống Văn Sơ và hỏi Bác: Bác biết ảnh ai không ạ? Bác xem ảnh, tủm tỉm cười rồi đút ảnh vào túi. Tối hôm ấy, Bác kể với một số đồng chí về bức ảnh. Sau đó, Bác cho báo chí sử dụng bức ảnh ấy".
Đó là ngày cuối năm 1950, là lần đầu bà Cúc được diện kiến Bác, một kỷ niệm sâu đậm và đầy tự hào khi mình đã mang về bức ảnh có giá trị lịch sử của Bác. 10 năm sau, đúng vào dịp Tết năm 1960, bà lại vinh dự được phân công trong đoàn đón tiếp luật sư Francis Henry Loseby cùng gia đình, đây là một ân nhân đã cứu Bác ở Hongkong (vào khoảng 1931-1933) mà Bác rất quý trọng.

Bức ảnh Bác đón tiếp gia đình luật sư Francis Henry Loseby - ân nhân của Người. Trong ảnh còn có sự hiện diện của bà Cúc, người đứng phía sau
Với lần thứ hai gặp Bác, bà Cúc thêm một lần cảm nhận sự giản dị, tình cảm ân cần và vô cùng ấm áp mà Bác dành cho ân nhân của mình. Còn đối với cán bộ làm nhiệm vụ đón tiếp, bác như người Cha gần gũi khi trao đổi về nhiệm vụ này.
Bà Cúc kể: "Bác bước vào phòng họp, Người tươi cười, giản dị trong chiếc áo khoác kaki. Bác nói với chúng tôi: Tết năm nay các cô chú báo lại với gia đình là mình sẽ không ăn Tết ở nhà mà phải đi giúp đón tiếp đoàn khách của Bác nhé. Bác nói như người Cha trong gia đình nhờ con cháu làm công việc vậy thôi, chứ không phải là mệnh lệnh của một vị Chủ tịch nước. Ai cũng xúc động, trong lòng đầy vinh hạnh. Tôi cũng tự dặn lòng có khó khăn cũng phải hoàn thành để tiếp đón vị ân của Bác và còn là ân nhân của cả dân tộc".
Những kỷ niệm về Bác đối với bà Nguyễn Thị Cúc cho đến giờ vẫn là những điều tự hào và tuyệt vời nhất. Mỗi khi nhìn lại bức ảnh Tống Văn Sơ, bà cũng thầm biết ơn người Việt kiều giấu mặt đã không ngại nguy hiểm để lấy bức ảnh Bác để gửi cho Phái viên quán tại Thái Lan. Đó như một "chiến công thầm lặng" làm xúc động triệu con tim.

Hinh ảnh bà Nguyễn Thị Cúc được gặp Bác trong lần Người đến thăm Nhà xuất bản Ngoại văn, nơi bà Cúc công tác trước đây

Bà Nguyễn Thị Cúc và quyển sổ nhỏ với những dòng hồi ký về lần được đón tiếp vị ân nhân của Bác
Bà Nguyễn Thị Cúc sinh năm 1927, 98 tuổi đời, 77 tuổi Đảng, từng là cán bộ tại Bộ Tư lệnh Nam Bộ, tham gia công tác địch vận. Sau đó bà được cử sang làm cán bộ tại Phái viên quán, cơ quan đại diện chính phủ Việt Nam tại Thái Lan trước năm 1950. Về sau, bà công tác tại Nhà xuất bản Ngoại văn, rồi công tác tại Ủy ban Liên lạc Văn hóa nước ngoài của Bộ Ngoại giao, Phòng Tuyên truyền đối ngoại.