Người thầy tiên phong mở lớp dạy phòng vệ cho teen

22/03/2019 - 09:54
Với kinh nghiệm của một tuyển thủ Karate Quốc gia và hơn 15 năm dạy võ cho thiếu nhi, thầy Bùi Việt Bằng (chủ nhiệm Việt Nhật club) sáng lập ra chương trình REACT, đã và đang trang bị kỹ năng phản ứng phòng vệ cho hơn 2000 thanh thiếu niên tại Hà Nội.
Không phải đến thời điểm này, khi liên tục các vụ bắt cóc, xâm hại, cướp... xảy ra với nạn nhân là thanh thiếu niên, những kỹ năng phòng vệ mới được đề cao. Từ nhiều năm nay, bằng những kiến thức võ thuật được đào tạo, những năm tháng đại diện cho màu cờ sắc áo Việt Nam thi đấu Sea Games, cộng với kinh nghiệm giảng dạy võ thuật kỹ năng tại Ấn Độ, Singapore, Hongkong và những trải nghiệm tại hơn 30 quốc gia, thầy Bùi Việt Bằng đã tự nghiên cứu ra chương trình kỹ năng phản ứng phòng vệ REACT, trang bị cho các bé kỹ năng an toàn sống, kỹ năng hoà nhập xã hội, kỹ năng quan sát và tự tin vào bản thân. 
 
bui-viet-bang-1.jpg
Chương trình kỹ năng phòng vệ cá nhân của thầy Bùi Việt Bằng hữu ích với lứa tuổi thanh thiếu niên

 

Vào mỗi mùa hè, chương trình kỹ năng phòng vệ cá nhân được thầy Bằng phát triển thành khóa học chuyên sâu, đã và đang giúp hơn 2000 thanh thiếu niên tại Hà Nội, đặc biệt là các bạn tuổi  từ 14-18 và những bạn đang chuẩn bị đi du học chuẩn bị hành trang tự bảo vệ cho chính mình. 
 
Mỗi khóa học phòng vệ cá nhân thường gồm 4 buổi, với phần hướng dẫn lý thuyết và thực hành, trang bị cho các em các kỹ năng, từ cách nhận thức về nguy hiểm, cách nhận biết rủi ro tiền ẩn, khu vực nguy hiểm, các lỗi thường gặp trong phòng vệ, đến những cách xử lý theo tình huống cụ thể tự bảo vệ, giữ an toàn cho bản thân mình. 
 
bui-viet-bang-4.jpg
Với chương trình này, thầy Bùi Việt Bằng đã và đang trang bị kỹ năng phòng vệ cho hơn 2000 thanh thiếu niên tại HN

 

Chia sẻ về chương trình, cựu tuyển thủ quốc gia Bùi Việt Bằng cho biết: Nội dung của chương trình kỹ năng phòng vệ cho thanh thiếu niên không phải là dạy cho các em cách phản kháng, ra đòn thế nào khi xảy ra chuyện, mà mục đích chính là giúp các em thay đổi nhận thức, biết cách phòng tránh, không để mình gặp và đối diện với những tình huống không mong muốn đó. 
 
Với những nội dung gần gũi, thiết thực, chương trình kỹ năng phòng vệ cá nhân không chỉ hữu ích với các bạn teen, mà nhiều năm liền, thầy Bằng được mời là chuyên gia giảng dạy kỹ năng phòng vệ và an toàn cho Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Quỹ tín dụng TYM). 
 
bui-viet-bang-3.jpg
Chương trình còn được biên soạn phù hợp với nhiều lứa tuổi

 

Ngoài những khóa hướng dẫn phòng vệ chuyên sâu, những kỹ năng phòng vệ cá nhân còn luôn được thầy Bằng hướng dẫn cho các bạn nhỏ đang sinh hoạt tại câu lạc bộ Việt Nhật. 
 
Mở chuỗi võ đường theo mô hình giáo dục trải nghiệm 
 
Luyện tập từ những năm học cấp 1 và gắn bó với võ karate đến nay, thầy Bùi Việt Bằng nhận ra, nếu một lớp học chỉ dạy võ không thì rất nhàm chán, không đủ sức hấp dẫn với các học trò thời đại công nghệ 4.0. Chính vì vậy, ngay từ lúc còn đang là tuyển thủ quốc gia, Bằng đã tìm tòi, nghiên cứu một mô hình dạy võ bài bản, nghiêm túc để khơi dậy niềm đam mê thể thao, rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên.
 
Năm 2011, Việt Nhật club chính thức thành lập tại Hà Nội. Nhớ lại thuở ban đầu đó, thầy Bằng cho biết, có thể nói, võ đường được bắt đầu từ con số 0, khi trong tay mình thiếu đủ thứ, từ vốn, từ kiến thức quản lý… Điều mình tự tin nhất đưa ra để thuyết phục phụ huynh là mô hình võ đường được chuẩn hóa, bàn bản và chuyên nghiệp từ cơ sở vật chất, đến giáo trình đào tạo.
 
bui-viet-bang-5.jpg
Mô hình võ đường được chuẩn hóa theo chuỗi

 

Thời điểm đó, và đến ngay cả bây giờ, mô hình võ đường chuẩn hóa theo chuỗi của Việt Nhật club vẫn đang là mô hình tiên phong ở Hà Nội, ở Việt Nam và cả châu Á. Các câu lạc bộ võ thuật thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn làm theo kiểu phong trào tại các quận, huyện, hoặc do một số đơn vị kết hợp với các trường học để mở.

 
Điểm khác biệt thầy Bằng xây dựng trong các võ đường của mình, trước hết là  áp dụng mô hình bài bản về quản lý thể thao, có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo hệ thống, đảm bảo tuân thủ thống nhất tất cả các tiêu chí từ diện tích võ đường, số lượng học viên trong một buổi, giờ mở đóng cửa, có thư viện cho phụ huynh và học sinh, có sự giám sát chéo giữa các trung tâm… 9 võ đường tại Hà Nội và Hải Phòng đều được thiết kế với không gian mở, để phụ huynh có thể quan sát, tương tác với thầy giáo và con em mình trong suốt buổi học.
   
Điểm khác biệt thứ hai, đó chính là giáo trình đào tạo được biên soạn khoa học, hiện đại, phù hợp với văn hóa và với đặc điểm ngoại hình, tính cách của trẻ em Việt Nam. Giáo trình đang áp dụng tại câu lạc bộ là giáo trình theo phương pháp cung bậc thang, với các bài tập phát triển vận động của thể thao đỉnh cao đã được lược hóa cho phù hợp với thanh thiếu niên, kết hợp với các động tác võ karate truyền thống.
 
bui-viet-bang-6.jpg
Giáo trình biên soạn theo cung bậc thang phù hợp với trẻ em Việt Nam

 

Để học trò không nhàm chán, thầy Bằng luôn lồng ghép vào trong bài học các chương trình giáo dục trải nghiệm như hướng dẫn kỹ năng phòng vệ, tự vệ; kỹ năng ứng xử giao tiếp; kỹ năng sinh tồn lồng ghép trong các bài học; đồng thời tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, trại hè hướng dẫn kỹ năng; tổ chức đưa học sinh đi tham dự các giải thi đấu… Những chuỗi hoạt động này được tổ chức xuyên suốt trong cả năm.
 
Xác định dạy võ thuật theo hướng giáo dục trải nghiệm đòi hỏi phải đầu tư tốn kém cả về tài chính, thời gian, công sức nhưng với thầy Bùi Việt Bằng, võ là một môn học đặc biệt, mang tính giáo dục cao, là một môn ở giữa giáo dục và thể thao, người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải dành cả tình cảm, tâm huyết và uy tín để dạy võ – dạy làm người cho các thế hệ học sinh.
 
Bùi Việt Bằng là cựu vận động viên karate quốc gia, đã từng Vô địch 3 kì SEA Game 22, 23, 24 và giành Huy chương Bạc giải Vô địch châu Á năm 2009.
 
Báo Phụ nữ Việt Nam và thầy Bùi Việt Bằng đang thực hiện chuỗi clip hướng dẫn kỹ năng phòng vệ cá nhân, trang bị cho các bạn nhỏ và phụ huynh cách tự bảo vệ mình và rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực.
Mời bạn tiếp tục theo dõi trên PNVN.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm