Tự “sản xuất” rau chưa chắc đã sạch
Hoang mang trước “ma trận” thực phẩm sạch trên thị trường, nhiều người nội trợ chuyển hướng sang tự trồng rau để phục vụ nhu cầu trong các bữa ăn gia đình. Tất cả những mảnh đất trống xung quanh nhà được tận dụng tối đa, từ ban công, vỉa hè, chân cầu, bờ mương… các thùng xốp, xô chậu bị vỡ, sứt mẻ vốn là đồ bỏ đi trước đây đều trở nên hữu dụng.
Chỉ vào mấy khóm xà lách xanh mơn mởn ở khoảnh đất chưa đến 1m2 trước cửa nhà, chị Thảo (ở Cầu Giấy, Hà Nội) tự hào khoe: “Nhìn nhỏ nhỏ vậy thôi chứ cung cấp cho cả nhà mình mấy bữa ăn rồi đấy. Rau nhà trồng nên yên tâm không thuốc trừ sâu gì hết, chứ mua bên ngoài chẳng biết đường nào mà lần, tôi thấy cái gì cũng gắn mác sạch, đi chợ thấy quảng cáo “gà quê sạch 100%”, “rau nhà sạch”, lên mạng thì ai cũng nói sản phẩm của mình là hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap, nhưng không thấy tận mắt, tôi chẳng tin”.
Chung tâm lý với chị Mai, bác Tuyết (phố Kim Giang, Hà Nội) cũng "cắm dùi" một khoảnh đất nhỏ cạnh bờ sông Tô Lịch trồng rau. “Thời buổi thật giả lẫn lộn này, không phải tự tay mình trồng thì không chắc được cô ạ. Ngoài mảnh đất con con này, tôi còn trồng thêm mấy thùng xốp trên sân thượng nên dù hơi thiếu hụt nhưng cũng tạm đủ cho gia đình 3 người. Tôi nghĩ “cây nhà lá vườn” là tốt nhất, vừa ngon vừa sạch. Bần cùng lắm tôi mới mua rau bên ngoài nhưng cũng phải vào các siêu thị uy tín”, bác Tuyết chia sẻ.
Người nội trợ tự trồng rau để cung cấp thực phẩm cho gia đình có thời điểm trở thành trào lưu, nhưng có một thực tế, nhiều người tưởng là được ăn rau sạch mà không phải.
Theo lời PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), rau tự trồng nếu không đảm bảo tốt mọi khâu từ hạt giống, đất trồng, nước tưới, môi trường sống sẽ có nguy cơ nhiễm bẩn rất lớn, nhất là rau được trồng ở vỉa hè, bờ mương gần nguồn nước ô nhiễm…
Để trồng rau trong các hộp xốp, người dân thường ra các bãi đất trống lấy đất về trồng mà không kiểm soát được loại đất đó có bị ô nhiễm hay không, vô hình chung lại trồng rau nhiễm độc mà không biết.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho hay nếu đất bị nhiễm khuẩn thì khi trồng rau những chất độc hại sẽ theo đó mà đi vào theo đường hấp thụ của cây. Đất trồng phải không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, lượng kim loại nặng, hàm lượng nitrat, những vi sinh vật gây bệnh đều phải dưới ngưỡng thì mới đảm bảo an toàn.
Cần hiểu đúng về “thực phẩm sạch”
Giữ ma trận thực phẩm sạch – bẩn lẫn lộn đến tự trồng cũng chưa hẳn yên tâm thì để bảo vệ mình và gia đình, người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
Theo các chuyên gia, thực phẩm sạch là những loại thực phẩm được nuôi trồng với những quy định khắt khe như nguồn đất, nước phải sạch, không nhiễm kim loại nặng, khu vực trồng cách ly khu vực có chất thải,... Khi chăm sóc, người trồng vẫn có thể sử dụng thuốc trừ sâu hoặc những loại thuốc hóa học tổng hợp nhưng chỉ được sử dụng ở một mức độ cho phép, và sản phẩm khi thu hoạch phải đảm bảo còn dư lượng độc hại dưới mức cho phép, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Để thực hiện nông nghiệp sạch theo quy định, trên thế giới hiện nay đều dựa vào tiêu chuẩn của GAP. Mỗi quốc gia có một bộ tiêu chuẩn, các nguyên lý và quy định thực hiện GAP khác nhau, có thể là VietGAP (Việt Nam), AseanGAP hay GlobalGAP (Châu Âu). Bản thân tiêu chuẩn VietGap đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam cũng được làm “nhái”, sử dụng tràn lan khiến người tiêu dùng và cả các nhà bán lẻ gặp khó khăn khi phân định được sản phẩm đạt chuẩn.
Chống lại tình trạng thực phẩm bẩn mang mác “sạch” tuồn vào siêu thị, các nhà bán lẻ phải sử dụng nhiều cách quản lý nguồn gốc đầu vào khác nhau. Thậm chí, có đơn vị tự đầu tư hệ thống phòng/trạm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm lên tới hàng chục tỷ đồng chỉ để đảm bảo chất lượng hàng hóa ra vào siêu thị mỗi ngày như hệ thống siêu thị VinMart & VinMart .
Một lời khuyên khác dành cho người tiêu dùng thông minh, đó là để biết sản phẩm có thực sự đạt chứng nhận sạch / hữu cơ hay không, người mua hãy vào trang web đã cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị được cấp để nhận thông tin chính xác. Trên thị trường cũng đã có một số đơn vị minh bạch thông tin qua phương thức quét mã QR Code để truy xuất nguồn gốc và đường đi của hàng hóa.
Trang bị kiến thức và hiểu đúng về sản phẩm minh bạch nguồn gốc, lựa chọn nhà bán lẻ uy tín với công nghệ và quy trình kiểm soát hàng hóa chặt chẽ chính là bí quyết cho người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước cơn sóng “thực phẩm bẩn mang mác sạch” hiện nay.