pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người "truyền lửa" cho thế hệ trẻ để văn hoá người Jơ Lâng không mai một
Bà Y Trieng là người tiên phong truyền dạy lại những bài hát dân ca cho con cháu để tránh sự mai một, lưu giữ nét văn hóa của dân tộc Jơ Lâng
Căn nhà của nghệ nhân Y Triêng không lớn nhưng nó tựa như một triển lãm thu nhỏ. Nơi đây, bà dành nguyên căn phòng để bày biện đủ thứ nhạc cụ, trang phục, vật dụng truyền thống do chính tay mình chế tác.
Nghệ nhân Y Triêng sinh ra và lớn lên ở làng Cheo Leo (nay đã thành một phần của thôn 5, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Từ nhỏ, bà đã được trời phú giọng hát trong trẻo, cảm xúc. Lớn lên bà lại có niềm đam mê mãnh liệt với các nét văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc mình. Bà tự mày mò học đánh cồng chiêng, múa xoang; khi thạo chiêng rồi thì tiếp tục tập đánh đàn klong but, ting ning, tơ rưng... Dường như môn nào cũng vậy, khi bà đã quyết tâm học thì đều tập được thành thạo nhanh chóng, được các già trong làng khen là có khiếu.
Dù thạo nhiều nhạc cụ nhưng hiện nay, bà Y Triêng vẫn chọn đánh cồng chiêng, múa xoang làm bộ môn chính để theo đuổi và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Theo bà, cồng chiêng và múa xoang là thông dụng nhất và không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội. Bà cũng là người dạy đánh cồng chiêng giỏi của làng, thường xuyên biểu diễn và tổ chức lớp dạy cho thế hệ trẻ.
Bà Y Triêng chia sẻ: "Hàng năm, cứ sau mỗi mùa thu hoạch nông sản, bà con dân làng lại tưng bừng bước vào các ngày hội. Ngày ấy thôn mình nhiều lễ hội lắm như lễ mừng lúa mới, bắc máng nước... Những dịp như thế, không thể thiếu cồng chiêng, múa xoang, sau đó là giai điệu của những chiếc đàn tre, nứa, những giọng hát giao duyên, đối đáp đầy mê hoặc và hấp dẫn của các đôi nam nữ... Ngày còn nhỏ, với tôi đây còn là dịp để có cơ hội học hỏi các nghệ nhân, già làng cách chơi các bộ môn nghệ thuật mà họ biểu diễn".
Bà Y Trieng là người tiên phong vận động chị em trong làng truyền dạy lại những bài hát dân ca cho con cháu để tránh sự mai một, lưu giữ nét văn hóa của dân tộc Jơ Lâng (nhánh của dân tộc Bahnar). Bà Y Trieng tự sáng tác nhiều bài dân ca về đời sống thường ngày để truyền lại cho con cháu, từ đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Bà đã nhận đào tạo kỹ thuật hát và truyền lại những bài dân ca truyền thống cho nhiều học trò trong làng.
Với định hướng phát triển, đưa làng Kon Cheo Leo trở thành điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng, những năm qua, chính quyền thị trấn Đăk Rve luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, bà Y Trieng được xem là "hạt nhân" giúp khôi phục và giữ gìn nét văn hóa đặc trưng tại địa phương.
Qua nhiều năm thực hành và bảo vệ di sản văn hóa truyền thống tại địa phương, bà Y Trieng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Ngày hội văn hóa các dân tộc năm 2017. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" đối với bà Y Trieng.