Người tù kêu oan 22 năm không oan sai

19/10/2016 - 14:16
Theo kết luận mới nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương vụ án Trần Văn Vót là đúng người, đúng tội. Đây là vụ án liên quan đến nhiều người và được dư luận, báo chí rất quan tâm bởi Trần Văn Vót đã kêu oan từ năm 1994 đến nay.
Sáng nay, TAND Tối cao đã tổ chức buổi họp báo thông tin về vụ án Trần Văn Vót (SN 1949, ngụ thôn Nhân Phúc, Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam) bị kết án các tội Giết người, Tàng trữ vũ khí trái phép và Gây rối trật tự công cộng ở tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam).

Đây là vụ án kêu oan được dư luận đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua. Trước đó, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan tố tụng TƯ xem xét, xác minh kỹ về vụ án này. Nếu có oan sai thì phải giải oan cho người vô tội.
tran-van-vot.jpg
 Phạm nhân Trần Văn Vót trong tù (ảnh gia đình cung cấp)
Thông tin tới báo chí, đại diện TAND Tối cao cho biết, sau khi có chỉ đạo từ lãnh đạo, Tổ chuyên viên liên ngành khẩn trương nghiên cứu tài liệu hồ sơ, nghiên cứu những vấn đề kiến nghị của GS - TS Nguyễn Lân Dũng, nội dung các đơn khiếu nại do các đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Phùng Đức Tiến chuyển, cùng với đó là khiếu nại của người đại diện hợp pháp của người bị hại... để làm rõ.

Trên cơ sở xác minh, nghiên cứu hồ sơ, các cơ quan tiến hành tố tụng TƯ đã thống nhất và đi đến kết luận: “Căn cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng để kết tội Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh về tội Giết người là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan”.

Các cơ quan liên ngành cho biết, kết luận nêu trên được tổng hợp sau khi đã làm việc với những người được báo chí phỏng vấn, cung cấp thông tin, làm việc với lãnh đạo của Trung đoàn 139 Bộ Tư lệnh thông tin, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng đơn vị Trần Ngọc Thanh đi bộ đội và khai nhận hành vi phạm tội, làm việc với những người có mặt tại hiện trường lúc lựu đạn nổ và các cán bộ trực tiếp điều tra vụ án…
gs-nguyen-lan-dung.jpg
 Phát biểu trong buổi họp báo sáng nay, GS Nguyễn Lân Dũng lo lắng cho sức khỏe của Trần Văn Vót, bởi ông Vót bị bệnh lao nặng, kháng thuốc.
Phát biểu trong buổi họp báo sáng nay, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, người đã nghiên cứu về vụ án, có kiến nghị gửi lãnh đạo các cấp xem xét lại vụ án Trần Văn Vót vì có dấu hiệu oan sai lo lắng rằng Trần Văn Vót sẽ chết trong tù. Bởi lẽ, Trần Văn Vót đang bị bệnh lao nặng và kháng thuốc. Vì thế, GS. Nguyễn Lân Dũng mong rằng, cần xem xét việc chữa bệnh cho ông Vót, bởi trước khi đi tù ông Vót từng là quân nhân, có nhiều chiến công, được tặng thưởng nhiều Huân chương.

Vụ án Trần Văn Vót (SN 1949) xảy ra vào cuối năm 1992, bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai giữa 2 làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) dẫn tới vụ ném lựu đạn diễn ra vào ngày 29/11/1992 khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người dân khác bị thương. Cơ quan điều tra xác định ông Vót là người tàng trữ quả lựu đạn và đưa cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném khiến 1 người chết, 21 người bị thương.

Trong quá trình điều tra vụ án, ông Trần Văn Vót (khi đó là Bí thư chi bộ đội 4) bị truy tố về 4 tội: Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí, Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội và Gây rối trật tự công cộng. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi Giết người.

Tháng 2/1994, Trần Văn Vót bị TAND tỉnh Nam Hà đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân vì 4 tội trên, còn Trần Ngọc Thanh bị tuyên 15 năm tù về tội Giết người. Sau đó, hai bị cáo đều kháng án. Tháng 8/1994, TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên y án sơ thẩm. Năm 2004, Trần Ngọc Thanh được tha tù trước thời hạn.

Cho rằng bị kết án oan, bị cáo Trần Văn Vót và gia đình liên tục kêu oan. Trong vụ án này, điều lạ lùng là chính bố của bị hại Trần Văn Việt - cụ Trần Anh Điền (82 tuổi, ở xã Phú Phúc) cũng liên tục kêu oan cho hai ông Vót và Thanh suốt hơn 20 năm qua.

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù tuổi đã cao nhưng sáng nay cụ Điền cũng có mặt trước cổng TAND Tối cao để lắng nghe tình hình buổi họp báo công bố thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm