"Nguồn nhân lực" cần được ưu tiên hàng đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

PVH
15/04/2025 - 09:29
"Nguồn nhân lực" cần được ưu tiên hàng đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại Phiên họp

Thảo luận về Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, "nguồn nhân lực" cần được đề cao trong thứ tự ưu tiên hàng đầu vì đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng lao động, sản xuất chất lượng cao.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). 

Hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của lĩnh vực này. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng, mãnh liệt, đặc biệt là làn sóng của Cách mạng công nghệ 4.0 mà trong đó chuyển đổi số là cốt lõi đòi hỏi các quy định của pháp luật khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phải được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Dự thảo Luật gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo.

Về tiềm lực con người, nhân lực nghiên cứu chất lượng cao, nhân tài (Điều 56, 57, 59 và Điều 83), ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước.

"Nguồn nhân lực" cần được ưu tiên hàng đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 - GII) năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023 (năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48).

Năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại).

Đồng thời quy định về cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được.

Dự thảo Luật cũng đặc biệt bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó quy đinh cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài. Những chính sách này nhằm để thu hút, giữ chân người tài tham gia hoạt động KH,CN&ĐMST; thu hút nhân tài là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.

Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Về quy định các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù, dự thảo Luật đã có quy định thể chế hóa các nội dung như: Đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính (Điều 50 và quy định bỏ thủ tục đăng ký hoạt động tổ chức KH&CN); Giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (Điều 67); Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số (Điều 39 và khoản 1 Điều 40); Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, con người, tài chính, chuyên môn (Điều 47); Được sử dụng NSNN thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và tài sản trí tuệ để liên kết, hợp tác KH&CN với các tổ chức, doanh nghiệp (Điều 26 và Điều 47).

"Nguồn nhân lực" cần được ưu tiên hàng đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Bên cạnh đó, một số quy định ưu đãi, vượt trội, đặc thù khác đối với viên chức, về thuế, nhập cảnh… đã được sửa đổi, bổ sung trong các luật chuyên ngành khác (Chương VIII).

Ông Lê Quang Huy cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong 10 chính sách hỗ trợ, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thì "nguồn nhân lực" cần được đề cao trong thứ tự ưu tiên hàng đầu vì đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng lao động, sản xuất chất lượng cao, tạo đột phá phát triển.

Với nguồn nhân lực người nước ngoài, Việt kiều, rất cần có những tuyên bố rõ ràng về các chế độ chính sách thu hút, đãi ngộ, điều kiện làm việc. Tại điều 75 về hợp tác quốc tế, có quy định về thu hút, thuê chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và các điều luật liên quan về tạo điều kiện cấp thị thực cho các chuyên gia... Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định, cụ thể hóa Nghị quyết 57, để việc thu hút nhân tài không chỉ là việc hợp tác quốc tế mà là để chuyên gia, nhân tài sinh sống, gắn bó lâu dài cống hiến cho đất nước.

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tập trung vào 5 chính sách lớn:

Chính sách 1: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST;

Chính sách 2: Phát triển tiềm lực KH&CN;

Chính sách 3: Thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN&ĐMST;

Chính sách 4: Thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN;

Chính sách 5: Tăng cường phổ biến tri thức KH&CN.

Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Luật KH,CN&ĐMST đã bổ sung Chính sách 6 liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm