Nguồn vốn chính sách giúp phát triển kinh tế bền vững vùng phân lũ, chậm lũ

31/07/2019 - 17:03
Nhiều hộ dân tỉnh Ninh Bình đã thuộc các xã nông thôn mới đã thoát được nghèo, nhưng đặc thù là vùng phân lũ, chậm lũ, ảnh hưởng nặng nề do úng lụt, có thể khiến họ nhanh chóng tái nghèo. Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đang góp phần hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói một cách bền vững hơn.

Xã Gia Lâm, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2015, nhưng người dân nơi đây vẫn phải trăn trở với câu chuyện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Vốn là xã miền núi, Gia Lâm lại nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, thường xuyên bị úng lụt nên đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Cả xã có tới 1.840ha đất; nhưng chỉ có 300ha đất cấy lúa một vụ; vụ còn lại người dân cũng tận dụng nuôi cá, song phải năm mưa nhiều, thì cá cũng trôi theo mưa lũ.

Bà Đinh Thị Tầm, ở xã Gia Lâm, tâm sự: Những năm trước đây, 2 vợ chồng ông bà đầu tắt mặt tối làm đồng áng, nuôi 4 đứa con mà nghèo vẫn mãi nghèo. Cho đến khi bà được vào Tổ tiết kiệm vay vốn, vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH phát triển kinh tế năm 2016. Khởi đầu với 1 con bò và một con lợn nái, dồn tích thu nhập qua những ngày tháng bán lợn và bê đã giúp bà có thêm thu nhập thoát nghèo cuối năm 2018, trả nợ ngân hàng và tích lũy cho mình đôi bò.

Tuy nhiên, nếu chỉ có 2 con bò, dù đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng câu chuyện nâng cao chất lượng cuộc sống hơn nữa vẫn là bài toán khó. Chính bởi vậy, lần vay vốn hộ thoát nghèo gần đây nhất được 50 triệu đồng, bà quyết tâm mua thêm 2 con bò sinh sản. Nếu thuận lợi, mỗi năm bà sẽ có 4 con bê, bán đi mỗi năm cũng được 50 - 60 triệu đồng.

ngan-hang-chinh-sach-ninh-binh-1.jpg
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, người dân Ninh Bình mạnh dạn đầu tư, mở rộng chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế bền vững

 

Ông Phạm Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, cho biết: Chuyển đổi cây trồng và hướng đến chăn nuôi là con đường mà những người dân xã lựa chọn để ổn định cuộc sống; đặc biệt nguồn vốn tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn đã phát huy được những hiệu quả tích cực, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) cùng với sự vào cuộc và đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần khéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% năm 2015 giảm xuống còn 2,15% cuối năm 2018.

Dòng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã hiện còn dư nợ 19 tỷ đồng trong đó chủ yếu là cho vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo đã giúp nhiều người dân trong xã hướng tới mô hình phát triển kinh tế hàng hóa bền vững như chuyển đổi cây ăn quả, hoa đào, lúa cá, gà vịt giá cầm và chăn nuôi lợn hoặc mô hình cá lúa. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 32 triệu đồng/năm thay vì 5 năm trước chỉ hơn 20 triệu đồng.

Nhìn lại 5 năm qua triển khai Chỉ thị số 40, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nghèo, người dân sống ở khu vực nông thôn… Song cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, NHCSXH luôn đồng hành cùng các tổ chức chính trị - xã hội làm nhiệm vụ uỷ thác thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 30/06/2019, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh Ninh Bình đạt 2.324 tỷ đồng, tăng 674 tỷ đồng (tương đương 41%) so với trước khi có Chỉ thị số 40; tổng dư nợ đạt hơn 2.318 tỷ đồng.

ngan-hang-chinh-sach-ninh-binh-2.jpg
NHCSXH tỉnh Ninh Bình giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Gia Lâm
 

Để hiệu quả triển khai Chỉ thị số 40 sâu rộng hơn nữa, Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Hằng đề nghị các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH; đồng thời ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Đồng thời thường xuyên chỉ đạo củng cố và kiện toàn Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, huyện và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm