Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh, thời gian qua, nguồn vốn chính sách xã hội tại Hà Tĩnh đã góp phần giúp gần 26.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, có 1.394 lượt hộ nghèo, 2.522 hộ cận nghèo, 6.239 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, nguồn vốn cũng góp phần làm chuyển biến nhận thức về cách làm ăn qua đó giúp người dân ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, nguồn vốn chính sách xã hội cũng đã giúp 2.800 lượt học sinh sinh viên, 3.743 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình; cải tạo gần 20.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 11 ngôi nhà ở của hộ nghèo được xây dựng từ nguồn vốn theo Quyết định 33/2019/QĐ-TTg.
Theo bà Trần Thị Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh có dự nợ tín dụng chính sách cao nhất nước với chất lượng tín dụng đạt cao.
Vốn tín dụng ưu đãi cũng giúp người nghèo và đối tượng chính sách nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để tạo thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, làm cho nông thôn khởi sắc, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen tồn tại trong nông thôn.
Tại Hà Tĩnh, tổng nguồn vốn tại Ngân hàng CSXH tỉnh đến 31/8/2019 là 4.682.287 triệu đồng, tăng 3,91% so với cuối năm 2018. Dư nợ đạt 4.614 tỷ đồng, tăng 225 tỷ đồng so với năm 2018. Riêng 8 tháng đầu năm, doanh số cho vay đạt 1.009 tỷ đồng. Nợ xấu chiếm 0,078%, có 189 xã không phát sinh nợ quá hạn. Hoạt động tại điểm giao dịch xã đạt chất lượng cao, thường xuyên được củng cố, nâng cao. Toàn tỉnh có 3.475 tổ tiết kiệm vay vốn thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết: Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Thông qua đó đã gắn kết cấp ủy chính quyền, các hội đoàn thể với nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.
Tuy vậy, Ngân hàng CSXH cần quan tâm hơn đến công tác tập huấn; quản lý sâu sát các hoạt động quản lý nguồn vốn chính sách tại cơ sở để từ đó nắm bắt kịp thời các vướng mắc, tồn tại, nhất là đối với việc thu hồi nợ ở các hội đoàn thể có nợ quá hạn cao.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội LHPN VN Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao hoạt động của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh trong việc chỉ đạo sâu sát, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Những chỉ số về tín dụng đạt hiệu quả, chất lượng tín dụng đạt cao.
Thời gian tới, đơn vị cần quan tâm tham mưu với UBND các cấp trong việc tăng cường chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho vay tại Ngân hàng CSXH; tăng cường công tác an ninh trật tự tại các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH. Ban đại diện HĐQT, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh phải thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời các đối tượng nhằm đưa nguồn vốn chính sách đến kịp thời, hỗ trợ người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.