Nguồn vốn và kiến thức tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

PV
20/05/2025 - 22:19
Nguồn vốn và kiến thức tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang tư vấn hỗ trợ nguồn vốn, kiến thức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Anh Sơn (Nghệ An)

Không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn, Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương (TYM) còn hỗ trợ phụ nữ những kiến thức để quản lý, sử dụng nguồn vốn vay một cách có hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập để chăm lo cho cuộc sống gia đình, có tích luỹ cho tương lai.

Những khoản vay nhỏ giúp cuộc sống thay đổi

TYM được thành lập từ năm 1992 từ một dự án của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với tên gọi ban đầu là Quỹ Tình Thương với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính cho chị em.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, sau hơn 30 năm hoạt động, TYM vẫn luôn kiên định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ.

Nói đến tài chính vi mô là nói đến việc cung cấp những món vay nhỏ, không cần tài sản thế chấp và việc hoàn trả được chia đều ra trả dần cả gốc và lãi. Bằng cách thức cho vay và hoàn trả phù hợp với nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đa dạng của chị em, cùng với việc hướng dẫn chị em biết cách tiết kiệm (TYM nhận tiền gửi tiết kiệm của chị em từ 5.000 đồng), gần như 100% chị em hoàn trả được vốn vay và có được sinh kế bền vững, tạo thu nhập để chăm lo cho cuộc sống gia đình, có tích lũy cho tương lai.

Với cách làm ấy, tài chính vi mô đã tạo cho chị em cơ hội tiếp cận nguồn vốn an toàn, có khả năng hoàn trả đầy đủ, tránh xa tín dụng đen và bẫy nợ, thúc đẩy khả năng tự tạo việc làm và tham gia nhiều hơn vào đời sống kinh tế xã hội một cách chủ động.

Chị Trần Thị Mai (SN 1981) là người dân tộc Thái, sinh sống tại xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Gia đình có 4 người con đang trong tuổi ăn, học, kinh tế chính là nông nghiệp nên đời sống của gia đình chị không mấy khá giả. Sinh ra và lớn lên tại một bản nghèo của xã Phúc Sơn, từng chứng kiến nhiều mảnh đời quanh năm vật lộn với cái nghèo nên vợ chồng chị Mai quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Dù đã có nhiều dự định để phát triển kinh tế nhưng vướng mắc lớn nhất với vợ chồng chị Mai đó là nguồn vốn và kiến thức. Khi đang không biết chọn hướng đi nào phù hợp thì chị Mai biết đến TYM. Từ đó, những dự định làm giàu trên mảnh đất quê hương của vợ chồng chị Mai có cơ hội được thực hiện.

Nguồn vốn và kiến thức tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở huyện Anh Sơn đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn và kiến thức được các cán bộ TYM cung cấp

"Các cán bộ của TYM hướng dẫn và làm thủ tục vay vốn rất nhanh chóng. Tôi được nhận vốn sớm và phương thức hoàn trả cũng rất linh hoạt và đơn giản", chị Mai chia sẻ. Với nguồn vốn vay đó, vợ chồng chị Mai tập trung vào xây dựng homestay để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.

Kết hợp với đó, vợ chồng chị Mai kinh doanh buôn bán đặc sản của quê hương như thịt trâu, bò gác bếp, nuôi lợn, gà để trực tiếp bán cho du khách. Nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ cũng như những kiến thức để quản lý, sử dụng nguồn vốn vay một cách có hiệu quả mà cuộc sống hiện tại của gia đình chị Mai đã phát triển hơn trước rất nhiều. Gia đình chị đã có của ăn, của để và 4 người con cũng đều được học hành đến nơi, đến chốn.

"Một điều không chỉ tôi mà các chị em khác cũng đều nhận thấy đó là chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn, giao lưu, học hỏi miễn phí của TYM, từ đó giúp nắm bắt được thị trường, định hướng phát triển kinh tế phù hợp. Bên cạnh đó, thông qua những hướng dẫn sử dụng mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của gia đình mà lượng khách đến với homestay cũng đông hơn, sản phẩm của gia đình cũng tiêu thụ tốt hơn", chị Mai chia sẻ.

Chị Lương Thị Tuyết (SN 1983, trú tại thôn 1, xã Linh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) cũng là một trong những cá nhân sử dụng hiệu quả nguồn vốn và kiến thức do các cán bộ của TYM giảng dạy để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống.

Với đặc điểm địa hình nên gia đình chị Tuyết từ lâu gắn bó với cây chè. Mặc dù rất muốn mở rộng phương thức sản xuất theo hướng trồng trọt kết hợp với chăn nuôi nhưng ngoài nguồn vốn, gia đình chị cũng bị hạn chế kiến thức phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn và những kiến thức được cung cấp, gia đình chị Tuyết đã có thể phát triển kinh tế theo hướng trồng chè kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, thông qua các nhóm khách hàng TYM, chị cũng có thể quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của gia đình mình đến nhiều người khác.

Hỗ trợ vốn và kiến thức

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang, phụ trách điều hành Phòng giao dịch TYM ở huyện Anh Sơn, cho biết, Anh Sơn là một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An và giáp với Lào, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống còn khó khăn, vất vả.

"Khả năng giao tiếp bằng tiếng Kinh của đồng bào còn hạn chế. Cá biệt có những phụ nữ không biết viết nên rất khó khăn trong cuộc sống, nhất là khả năng tiếp cận thông tin và làm việc. Vì vậy, quá trình làm việc tại đây, bản thân tôi đã dành nhiều thời gian để hướng dẫn, dạy chữ cho các chị em. Đến nay, nhìn thấy các chị em khi đến cụm, tự tin khi giao dịch, tự đọc và kí tên trên các giấy tờ", bà Trang chia sẻ.

Nguồn vốn và kiến thức tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Bên cạnh nguồn vốn vay, chị em còn học được cách sử dụng nguồn vốn có hiệu quả

Theo thông tin bà Trang cung cấp, hiện Phòng giao dịch TYM ở huyện Anh Sơn đang quản lý 2.900 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng người dân tộc thiểu số như Thái, Tày, Mường sinh sống trên địa bàn huyện Anh Sơn.

Quá trình hoạt động, TYM không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nguồn vốn mà còn đồng hành và hỗ trợ khách hàng nâng cao kiến thức và năng lực. Khách hàng được tham gia các buổi tập huấn, truyền thông về kỹ năng quản lý tài chính hộ gia đình, kiến thức sản xuất kinh doanh, tiết kiệm, luôn kết hợp giữa hỗ trợ vốn và truyền thông - hướng dẫn - đồng hành trong suốt quá trình vay.…

"Những khách hàng sử dụng vốn hiệu quả sẽ được chia sẻ mô hình, lan tỏa kinh nghiệm cho các thành viên khác, từ đó tạo động lực và tăng hiệu quả sử dụng vốn trên diện rộng. Nhờ đó, đa số các khách hàng đã sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần cải thiện thu nhập và đời sống gia đình", bà Trang chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm