Chính quyền Uttarkashi, bang Uttarakhand cho biết, tỷ lệ sinh sản ở đây đang ở mức “báo động” và có dấu hiệu nạo phá thai nhi chọn lựa giới tính tràn lan. "Chúng tôi đã xác định được các khu vực có số lượng sinh con gái bằng 0 hoặc chỉ dừng lại ở một con số. Tỷ lệ sinh con gái của vùng này rất đáng nghi và là dấu hiệu rõ ràng của việc lựa chọn giới tính thai nhi. Bất kỳ cặp cha mẹ nào bị phát hiện lựa chọn giới tính thai nhi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, thẩm phán Ashish Chauhan cho biết.
Một nhóm 25 quan chức được thành lập để tìm hiểu nghi vấn người dân ở đây phá thai chọn lọc giới tính, một hành vi phổ biến tại Ấn Độ và đã bị cấm vào năm 1994. "Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, rõ ràng phá thai chọn lọc giới tính đã được thực hiện trong khu vực và chính quyền không có động thái nào để ngăn chặn nó", nhà hoạt động vì nữ quyền Ấn Độ Kalpana Thakur cho biết. Còn thành viên Hội đồng Lập pháp Gopal Rawat cho biết sẽ tiến hành “chiến dịch nâng cao nhận thức” với hy vọng đẩy lùi được xu hướng này.
Ấn Độ đã cấm lựa chọn giới tính thai nhi từ năm 1994 nhưng tình trạng nạo phá thai nữ vẫn tiếp diễn ở đất nước này, nơi vẫn rất nặng nề tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Họ quan niệm rằng đàn ông thì mới làm ra của cải, vật chất còn phụ nữ chỉ biết dựa dẫm, “ăn bám”. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng này cho thấy dấu hiệu báo động của tình trạng nạo phá thai nhi nữ tràn lan. Thống kê dân số Ấn Độ năm 2018 cho thấy, nước này đang thiếu khoảng 63 triệu phụ nữ do tình trạng trọng nam khinh nữ.
Tại Ấn Độ, trước khi có thể lựa chọn giới tính thai nhi, các bé gái mới sinh thường bị đầu độc, bóp cổ, dìm chết, bị bỏ đói hoặc đơn giản là bị bỏ mặc cho đến chết. Năm ngoái, cảnh sát đã phát hiện 19 vụ lựa chọn giới tính thai nhi ở gần một bệnh viện tại bang Maharashtra. Họ bị phát hiện khi các cảnh sát đang điều tra cái chết của một phụ nữ trong lúc nạo phá thai bất hợp pháp.
Trong xã hội gia trưởng như Ấn Độ, con trai được coi là trụ cột gia đình tương lai và có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi về già. Còn con gái thường bị coi là “tốn kém” vì các cha mẹ có con gái phải chịu áp lực dành tiền của hồi môn cho con gái khi lấy chồng mặc dù phong tục này đã bị cấm từ năm 1961. Của hồi môn gây áp lực nặng nề với các gia đình có con gái đến tuổi kết hôn. Ước tính, số tiền này cao gấp 6 lần thu nhập trung bình hằng năm của các hộ gia đình ở Ấn Độ. Mặc dù yêu cầu của hồi môn bị cấm và có thể bị truy tố nhưng các gia đình ở Ấn Độ vẫn thường tiết kiệm của hồi môn ngay khi bé gái chào đời.
Theo truyền thống, các cô gái Ấn Độ phải tự xoay xở số tiền hồi môn đắt đỏ trong đám cưới của mình, trong khi đàn ông được coi là tài sản đắt giá mang tên gia tộc và được phép thực hiện các nghi lễ quan trọng của Ấn Độ giáo. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, nhiều gia đình chỉ muốn có con trai và sẵn sàng phá bỏ thai nhi nữ cho tới khi sinh được con trai mới thôi.
Sự biến động của thị trường, đặc biệt là giá vàng, tưởng chừng như không liên quan gì đến vấn đề sinh nở nhưng ở Ấn Độ lại khác. Nhiều người nói rằng, giá vàng tăng, ít bé gái sống sót hơn do áp lực từ của hồi môn. Do tầm quan trọng của vàng ở Ấn Độ, giá vàng thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mọi người cũng luôn nói về chi phí của hồi môn. Việc thực thi quy định cấm của hồi môn ở Ấn Độ dường như không hiệu quả vì quy tắc xã hội khiến các gia đình ủng hộ truyền thống và vi phạm pháp luật.
Theo báo cáo Triển vọng dân số thế giới 2019 của Liên Hiệp Quốc được công bố tháng trước, đến năm 2027, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Dân số của Ấn Độ là 1,3 tỉ nhưng đây là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ mất cân bằng giới tính. Cứ mỗi 107 bé trai được sinh ra ở nước này thì có 100 bé gái. Theo dự đoán của các chuyên gia, từ đây đến khoảng 20 năm nữa, 25% một thế hệ nam giới đến tuổi lấy vợ sẽ gặp nguy cơ không tìm được bạn đời. Tình trạng thiếu phụ nữ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các vụ hãm hiếp và tội phạm tình dục nhắm vào phụ nữ ở quốc gia này.
Về vấn đề trao thêm cơ hội cho phụ nữ và khuyến khích họ tham gia đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, Ấn Độ hiện đang là quốc gia đứng gần cuối bảng - thứ hạng 139 - trên thế giới và cũng có mức xếp hạng tương tự xét về chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất cao.