Nguy hiểm ít biết của chửa trứng

24/01/2017 - 10:58
Khi có bầu, thai phụ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như mang đa thai, chửa ngoài tử cung, trong đó có hiện tượng chửa trứng.
Theo PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch. Do vậy mà thai nhi sẽ không thể phát triển được và sớm muộn gì cũng bị sảy thai. Theo thống kê, tỷ lệ chửa trứng ở các nước châu Âu khoảng 1/1.000 - 2.000 trường hợp đẻ thường, còn ở Việt Nam khoảng là 1/500.  
cham-soc-thai-bb-baaacvfkrf.jpg
Chửa trứng dễ nguy hiểm cho cả mẹ và bé
Hiện chửa trúng được xác định có 2 loại. Thứ nhất là chửa trứng hoàn toàn. Đây là loại chửa trứng không có tổ chức thai, các gai nhau phình to, mạch máu lông nhau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh. Loại thứ hai là chửa trứng không hoàn toàn. Đây là loại chửa trứng đã có tổ chức thai, hoặc một phần thai, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết.

Cũng theo TS Vũ Bá Quyết, chửa trứng có thể gặp ở tất cả lứa tuổi khi mang thai nhưng với những thai phụ dưới 20 tuổi hay trên 40 tuổi thì nguy cơ bị chửa trứng sẽ cao. Các nhà khoa học cũng chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chửa trứng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến chửa trứng, bao gồm bà mẹ thiếu dinh dưỡng, tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường…

Khi bị chửa chứng, bệnh nhân có các biểu hiện như nôn và buồn nôn cả ngày, có thể bị phù, huyết áp cao. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ bị ra máu, tử cung to… Tuy nhiên, các biểu hiện của chửa trứng rất dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung. Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh, phải khám chuyên khoa sản, làm một số kỹ thuật như siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp X-quang bụng.

TS Quyết cũng cho biết, nguyên nhân của chửa trứng còn chưa rõ nên để phòng bệnh, chị em cần nâng cao thể trạng, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Khi cơ thể có các biểu hiện mang thai, chị em cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhằm phát hiện những bất thường, nếu có.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm