pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân nào khiến tỉ phú Phạm Nhật Vượng rớt hạng 200 người giàu nhất thế giới?
3 tháng "bốc hơi" 650 triệu USD
Tạp chí Forbes đã cập nhật danh sách xếp hạng những người giàu nhất thế giới vào tháng 12/2019. Theo bảng cập nhật mới này, giá trị tài sản ròng của tỉ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - hiện ở mức 7,6 tỉ USD, xếp vị trí 231.
Tháng 8/2019, ông Phạm Nhật Vượng xếp ở vị trí 195 trên thế giới với giá trị tài sản là 8,25 tỉ USD. Chỉ trong 3 tháng, khối tài sản của ông Vượng "bốc hơi"650 triệu USD và tụt 36 bậc trên bảng xếp hạng. Ông Vượng "tạm chia tay" với nhóm 200 người giàu nhất thế giới.
Nhiều ý kiến của chuyên gia nhận định, giá trị tài sản của ông Vượng bị tụt giảm là do Tập đoàn Vingroup mới bán VinMart và Vinmart+ cho Masan. Từ đó, giá trị tài sản theo cổ phần giảm mạnh.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế - phân tích, ông Phạm Nhật Vượng rớt top 200 trên bảng xếp hạng của Tạp chí Forbes là do giá trị tài sản giảm đi. Tức là, giả sử, trước đây ông Vượng có 10 miếng đất mà bán đi 2 miếng đất thì còn lại 8 miếng đất.
Nhiều độc giả lại thắc mắc, lẽ ra, bán tài sản đi thì mang tiền về và tài khoản lại tăng thêm. Tiến sĩ Nhân giải đáp, 2 vấn đề khác nhau hoàn toàn. Tài sản giảm đi khác với tiền trong tài khoản, 2 vấn đề rất khác.
Tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã lên sàn chứng khoán rồi nên khi bán chưa chắc sẽ có lãi. Vấn đề ở đây là có tài khoản sẽ lỗ và không đạt theo chỉ tiêu.
Số tiền này có thể cân đối theo kiểu bão hòa, có lãi hoặc lỗ vốn. Về nguyên lý hiện nay, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng giảm là đúng.
Ví dụ trước đây, Tập đoàn Vingroup của ông Vượng có 2.600 cửa hàng Vinmart, Vinmart+ tại 50 tỉnh, thành phố cùng với 14 nông trường công nghệ cao VinEco. Từ đầu tháng 12/2019, Vingroup chuyển nhượng cho Masan thì hệ thống này không còn nữa. Khi chuyển nhượng tất cả cho Masan thì theo nguyên lý, Vingroup sẽ không lấy tiền mặt mà nhận về cổ phần. Trên sàn chứng khoán, giá trị cổ phần luôn biến động. Do đó, nếu nói về hạch toán kế toán thì tài sản giảm là đúng.
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng "chảy" đi đâu?
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân phân tích, ông Vượng bán Vinmart, Vinmart+ thì có khoản tiền. Nhưng, nếu ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục mang tiền này đi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ô tô, lĩnh vực hàng điện tử công nghiệp thì tài khoản lại tiếp tục chưa thể cân đối được. Forbes đánh giá tài sản của các tỉ phú dựa trên giá trị số cổ phiếu qui đổi trên các sàn chứng khoán mà người đó sở hữu.
Trước đó, ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã ký thoả thuận trên nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.
Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên. Đồng thời, tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.
Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông. Với mong muốn đưa VinCommerce và VinEco phát triển lên tầm cao mới, đồng thời tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp - công nghệ, Vingroup quyết định hợp tác với Masan. Thương vụ sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.