Masan mua Vinmart, làm gì để phát triển thương hiệu?

GIANG CƯ
06/12/2019 - 15:20
Masan mua Vinmart, làm gì để phát triển thương hiệu?
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân nhìn nhận thương vụ giữa Vingroup và Masan trên thực tế là Vingroup rút vốn khỏi thị trường bán lẻ, giao cho Masan đầu tư. Masan sẽ được hưởng lợi từ hệ thống Vinmart và Vinmart+ sẵn có nhưng để phát triển thì đây cũng là kênh rất khó.

Cơ hội để Masan chiếm lĩnh thị trường

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhận định, trong những năm gần đây, thương hiệu chuyển nhượng quyền diễn ra rất sôi động. Một số doanh nghiệp chuyển nhượng thành công. Trong đó, có những công ty hợp thức hóa việc chuyển nhượng thương hiệu bằng cách bán cổ phần thì các doanh nghiệp nước ngoài mua và thâu tóm thương hiệu đó.

Các doanh nghiệp mua lại cổ phần ngoài việc thâu tóm thương hiệu còn có khâu sản xuất hoặc dùng dòng tiền để phân phối sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường.

Những ngày qua, "mối lương duyên" của Vingroup với Masan khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại thị phần bán lẻ tiến đến sự cạnh tranh gay gắt. Vingroup đã bán lại cho Masan để mua lại quyền thương hiệu đã nổi lên 2 vấn đề.

Tiến sĩ Nhân lập luận, đối với yếu tố về sản phẩm bán lẻ và thị trường bán lẻ thì Vingroup có rất nhiều, với con số lên đến 2.000 cửa hàng. Mức độ phủ sóng thị trường bán lẻ của Vingroup rất lớn. Đây là điều rất có lợi cho Masan để thực hiện bước tiếp theo trong việc phát triển thị phần.

Nhìn nhận vấn đề tổng quan, Vingroup đang tái cơ cấu đầu tư các lĩnh khác, như: Công nghiệp xe ô tô, bất động sản… Đến thời điểm này, Vingroup đang đánh giá lại và chuyển nhượng cho Masan thị trường bán lẻ.

Masan ở "thế" mua lại dựa trên yếu tố của kênh phân khúc, kênh phân phối và khách hàng của Vingroup đang có. Masan mua lại của Vingroup hệ thống cửa hàng Vinmart và Vinmart+ có thuận lợi là đã giải quyết được lĩnh vực marketing, những chi phí khác…

Masan mua Vinmart, làm gì để phát triển thương hiệu? - Ảnh 1.

Một trong chuỗi cửa hàng bán lẻ Vinmart.

Làm gì để phát triển thương hiệu?

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân bình luận, Masan mua lại hệ thống Vinmart và Vinmart+ là một việc nhưng để tiếp tục phát triển thương hiệu là một việc khác. Có thể nhắc lại, vụ chuyển nhượng thương hiệu Món Huế, BigC và của một số thương hiệu khác là một ví dụ.

Có thời gian rất bùng nổ những quỹ đầu tư rót vốn để đầu tư vào thị trường bán lẻ. Sau một thời gian, nhiều nhà đầu tư mới thấy được "lỗ hỗng". Hay như thương vụ của món Huế cũng là một trường hợp.

Tiến sĩ Nhân trở lại thương vụ Vingroup – Masan: "Ở đâu có vẫn còn có thương hiệu của Vingroup sau vụ chuyển nhượng. Vụ chuyển nhượng đã nhắc nhở việc phát triển thương hiệu thì cần phải phải đầu tư về đất đai để nuôi trồng nên tốn nhiều nhân lực".

Kế đến, cần phải có giám đốc điều hành giỏi trong lĩnh vực này. Giám đốc điều hành phải có kinh nghiệm để có những chiến lược đẩy mạnh thương hiệu khiến người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm.

Giám đốc điều hành đưa ra chiến lược có những sản phẩm mới, sản phẩm khác lạ, sản phẩm giá rẻ hơn thị trường. Giám đốc điều hành này phải có các điều kiện "cần" và "đủ" để giải quyết bài toán Masan trong thời gian tới.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhắc đến vấn đề cốt lõi, để tiến đến việc nhượng quyền giữa Vingroup – Masan đạt hiệu quả bền vững thì cả 2 bên đều có những toan tính và chiến lược khác nhau.

Phi vụ "mua – bán" giữa Vingroup – Masan là "mua – bán" về cổ phần chứ không phải bằng tiền mặt. Vingroup chuyển nhượng cho Masan là rút được vốn và không đầu tư nữa. Nhân lực đang làm việc tại Vinmart và Vinmart+ sẽ được để lại, giao cho Masan đầu tư.

Masan sẽ được hưởng lợi từ những mặt này. Nhưng để phát triển, duy trì thì đây cũng là kênh rất khó. Có một số doanh nghiệp nước ngoài hiện đang đầu tư vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam thì đối thủ rất lớn, phân khúc thị trường không phải đơn giản.

Nhà đầu tư cần có chiến lược phát triển phù hợp đối với thị trường Việt Nam, thấu hiểu người tiêu dùng và chuỗi đáp ứng với nhu cầu của người Việt Nam.

"Chuỗi cửa hàng thông minh trong tương lai gần không cần nhiều người, không cần nhiều cửa hàng nhưng lực lượng bán qua công nghệ 4.0 sẽ quyết định thành công của doanh nghiệp".

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân

Việt Nam có đến trên 90 triệu dân nên cần phải tính toán đến việc có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh và sắp tới có bao nhiêu doanh nghiệp "nhảy" vào thị trường bán lẻ nữa?

Dù có phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ quy mô đến đâu nhưng các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ việc đáp ứng tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.

Điều cuối cùng, hệ thống quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam đang áp dụng công nghệ 4.0 là đặt hàng qua mạng. Người tiêu dùng không phải đến các siêu thị để chọn mua sản phẩm mà chỉ cần mua hàng qua mạng.

Tiến sĩ Nhân cảnh báo, các doanh nghiệp bán lẻ sắp tới đây đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ áp dụng công nghệ 4.0 nhằm giảm bớt chi phí quản lý, tạo sức cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm