Nguyễn Thị Như Hiền và cái duyên với giải thưởng văn học thiếu nhi

Võ Thu Hương (thực hiện)
14/07/2025 - 09:31
Nguyễn Thị Như Hiền và cái duyên với giải thưởng văn học thiếu nhi

Nhà văn Nguyễn Thị Như Hiền

Đến với văn học thiếu nhi chưa lâu, Nguyễn Thị Như Hiền đã có được 2 dấu ấn: Giải Ba cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi - đợt 1 (Hội Nhà văn Việt Nam) và giải Nhì Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất. Tác giả có duyên với giải thưởng văn học thiếu nhi này đã có cuộc trao đổi với PNVN.

+ "Chuyện ở làng Mênh Mông", tác phẩm đạt giải Nhì Giải thưởng Văn học Kim Đồng, chưa được phát hành nên khá nhiều độc giả tò mò. Như Hiền có thể bật mí với độc giả về tác phẩm này?

Ngôi làng trong truyện có tên là Mênh Mông nhưng thực chất trong câu chuyện là một ngôi làng rất nhỏ. Một ngôi làng yên bình như nhiều ngôi làng từng ôm ấp ấu thơ với cánh đồng, với những đứa trẻ chiều chiều lặn ngụp dưới sông, có những người chân quê hết mực hiền lành… 

Ấu thơ là quãng thời gian đẹp đẽ, ý nghĩa nhất đời người. Con người ta sẽ mang theo ngôi làng và kí ức ấy suốt cả cuộc đời nên tôi đã đặt tên ngôi làng có tên khá trừu tượng là Mênh Mông.

Chuyện kể về bộ ba so le ở làng Mênh Mông chơi rất thân với nhau. Một ngày ở làng xuất hiện một cậu bé sứt môi. Sứt sinh ra và lớn lên ở làng chài, ba cậu đi biển rồi mất tích nên cậu phải về làng Mênh Mông để sống. 

Ban đầu, bộ ba so le không thích Sứt. Sứt cô độc và xa lánh tất cả bọn trẻ con trong làng. Nhưng sau khi bộ ba so le biết về hoàn cảnh của Sứt thì quay ra giúp đỡ và yêu thương cậu bé. Bộ ba giả ma để hù dọa người bạo hành Sứt… 

Trong "Chuyện ở làng Mênh Mông" có ông Sáu Sầu Đời suốt ngày say xỉn. Nhờ sự quan tâm của những đứa trẻ mà ông Sáu thấy cuộc đời còn nhiều ý nghĩa. "Chuyện ở làng Mênh Mông" là câu chuyện về tình bạn, tình cha con, là sự quan tâm và sẻ chia với những người xung quanh mình.

Nguyễn Thị Như Hiền: “Tôi từng nghĩ mình không viết được cho thiếu nhi cho đến khi làm mẹ”- Ảnh 1.

Tác phẩm "Đi bắt nỗi buồn"

Viết - món quà đặc biệt dành tặng con

Trước đó không lâu, "Đi bắt nỗi buồn" của chị đoạt giải Ba Cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Như Hiền viết văn học thiếu nhi để gặt giải hay vì lí do nào khác?

Tác phẩm đầu tay viết cho thiếu nhi "Đi bắt nỗi buồn" của tôi đoạt giải Ba cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Bản thảo thứ hai "Chuyện ở làng Mênh Mông" đoạt giải Nhì Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ nhất. 

Nguyễn Thị Như Hiền: “Tôi từng nghĩ mình không viết được cho thiếu nhi cho đến khi làm mẹ”- Ảnh 2.

Đến với văn học thiếu nhi chưa lâu, Nguyễn Thị Như Hiền đã tạo được 2 dấu ấn 

Đây là điều hết sức bất ngờ và hạnh phúc với tôi. Với một tác giả trẻ như tôi thì giải thưởng còn là sự công nhận và động viên rất lớn cho con đường chữ nghĩa còn dài ở phía trước.

Hiển nhiên giải thưởng có ý nghĩa nhưng tôi không nặng nề chuyện dự thi hay phải đoạt giải thưởng. Bởi nếu chỉ hướng tới giải thưởng thì mình sẽ áp lực, nặng nề, có khi thất vọng. Với tôi, mỗi tác phẩm viết ra đều là hành trình đáng nhớ và ý nghĩa. 

"Đi bắt nỗi buồn" khởi nguồn từ những câu chuyện có thật từ con trai của tôi. Đó là những kỉ niệm của con về trường lớp, bạn bè, về đại dịch Covid-19 với nhiều nỗi buồn và mất mát. Còn "Chuyện ở làng Mênh Mông", tôi viết trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt là vừa mới sinh đứa con thứ hai. 

Ôm con, nhìn ngắm con mới chào đời gợi cho tôi rất nhiều rung động để viết nên tác phẩm này. Bởi viết trong hoàn cảnh đặc biệt nên tác phẩm có ý nghĩa rất lớn với tôi. Đằng sau mỗi tác phẩm với mỗi tác giả sẽ có những câu chuyện đáng nhớ. Tôi viết như một món quà đặc biệt dành tặng con mình.

+ Không ít tác giả bắt đầu viết văn học thiếu nhi khi làm mẹ và ngừng viết mảng đề tài này khi con lớn. Với Như Hiền, viết cho thiếu nhi có ý nghĩa như thế nào?

Trước đây, tôi từng nghĩ mình không viết được cho trẻ con cho đến khi làm mẹ. Quan sát con mỗi ngày, trò chuyện với con, thủ thỉ về chuyện bạn bè, trường lớp…, tôi nhận ra trẻ con ngây thơ và thú vị vô cùng. 

Nguyễn Thị Như Hiền: “Tôi từng nghĩ mình không viết được cho thiếu nhi cho đến khi làm mẹ”- Ảnh 3.

Một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Như Hiền

Lúc đó, tôi nhen nhóm những ý tưởng đầu tiên để viết cho thiếu nhi. Việc trở thành mẹ gây xúc cảm mạnh mẽ cho người phụ nữ. Với người viết văn lại càng ý nghĩa. Tôi nghĩ thật đáng tiếc nếu như mình không lưu giữ lại được những điều đẹp đẽ, trong sáng đó.

Thực sự đến bây giờ, tôi mới có 2 tác phẩm viết cho thiếu nhi. Một là "Đi bắt nỗi buồn", tác phẩm thứ 2 là "Chuyện ở làng Mênh Mông". Số lượng quá ít ỏi để có thể nói lên được điều gì đó về đề tài văn học thiếu nhi ở tương lai. 

Song song với viết cho thiếu nhi, tôi vẫn đang viết truyện cho người lớn. Khi viết cho thiếu nhi, tôi ở trong trạng thái hoàn toàn đối lập khi viết cho người lớn. Khi viết cho trẻ con, tôi chìm đắm trong sự trong trẻo, hồn nhiên mà khi viết cho người lớn, tôi không có được. 

Trong thế giới trẻ con không có toan tính, không có dằn vặt hận thù… Thế giới trong tác phẩm viết cho trẻ con khiến bất kỳ ai cũng rung động và thổn thức bởi sự thuần khiết, trong trẻo, giản đơn. Với người viết, tôi nghĩ rung cảm với những điều mình viết là điều quan trọng nhất. 

Tôi không nói được điều gì cho tương lai nhưng tôi nghĩ chừng nào mình còn rung cảm với những điều trong trẻo, ngây thơ của con trẻ thì mình còn viết được.

"Văn chương như một phước lành"

Cơ duyên nào nuôi dưỡng tình yêu văn chương với một cô bé từ làng quê nghèo thiếu sách để đọc?

Quê tôi ở một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam (nay là TP Đà Nẵng - PV). Ngày tôi còn nhỏ (và tận bây giờ) ở quê tôi không có bất kỳ một tiệm sách nào. Hồi nhỏ, tôi rất mê đọc sách, mỗi lần mượn được cuốn sách nào là đọc say mê đến quên ăn quên ngủ. 

Nhà tôi có một chiếc radio cũ, ba thường nghe đài mỗi khi rảnh rỗi. Tình cờ một lần rà sóng, tôi biết đến Chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài tiếng nói Việt Nam. Đây là chương trình đọc sáng tác thơ văn của các bạn nhỏ trên cả nước gửi về. 

Cuối mỗi buổi phát sóng, chương trình sẽ dành ra 5 phút để đọc sách. Với 5 phút mỗi ngày trong nhiều năm, tôi đã nghe rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng viết cho thiếu nhi trên thế giới và Việt Nam như Pipi tất dài, Lại thằng nhóc Emil, Mio con trai ta, Cánh buồm đỏ thắm... 

Khi nghe đến cuốn "Một thiên nằm mộng" của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, tôi vô cùng xúc động và nhen nhóm một mơ ước sau này mình có thể viết được những trang văn đẹp đẽ, rung động đến vậy.

Từ nghe đài, tôi mạnh dạn viết bài gửi cộng tác. Lần đầu tiên nghe tên mình đọc trên sóng VOV, tôi hạnh phúc vô cùng. Sau đó, tôi lần lượt cộng tác với Báo Quảng Nam, Thiếu niên tiền phong, Mực tím, sau này là Áo trắng và chuyên mục văn nghệ trên các tờ báo… 

Tình yêu văn chương cứ lớn dần trong tôi qua từng năm tháng. Công việc của tôi là biên tập văn xuôi cho Tạp chí Văn nghệ, nhờ đó tôi càng có dịp đọc nhiều, được gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn. Từ mơ ước được viết nên những trang văn đẹp đẽ đến bây giờ, tôi vẫn giữ được niềm đam mê ấy.

+ Nhiều nhà văn coi viết văn như hơi thở, cũng có người coi viết văn như nghiệp đa mang phải theo, còn Như Hiền thì sao?

Tôi xem văn chương như một phước lành trong cuộc đời mình. Tôi không nặng nề phải đạt được điều này, điều kia mà thong dong và tận hưởng những gì mà văn chương đem đến cho mình. Con đường chữ nghĩa của tôi chỉ mới vài năm nhưng tôi nhận được rất nhiều thứ từ văn chương. 

Viết văn cho tôi thấy được ý nghĩa của cuộc sống, niềm vui khi có thêm thật nhiều bạn bè chung niềm yêu thích chữ nghĩa… Với văn chương, tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi nghĩ nếu không có văn chương thì hẳn cuộc đời tôi sẽ tẻ nhạt vô cùng.

+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm