Những bức ảnh “biết nói”
- Theo anh, tại sao bộ ảnh “Nỗi nhớ” đoạt giải?
Vì bộ ảnh đó rất gần gũi với mọi người, ai xem cũng dễ chia sẻ, đồng cảm, không phân biệt thành phần gia đình, nguồn gốc thậm chí cả quốc gia. Chiếc áo dài màu hồng nhạt ngày cưới mẹ tôi vẫn còn giữ, cũng như những lá thư chan chứa yêu thương của bố tôi viết cho mẹ, chiếc máy đánh chữ - vật dụng thân thuộc nhất của ông dùng để viết những công trình nghiên cứu sân khấu dân tộc và văn hóa dân gian...
Tình cảm gia đình, nỗi nhớ, ký ức về người đã khuất rất sâu đậm. Dường như bố tôi vẫn luôn hiện diện trong ngôi nhà hai mẹ con tôi ở, ở thế giới khác luôn theo dõi, lo lắng và phù trợ cho cả gia đình. Và mẹ tôi cũng luôn chia sẻ những niềm vui, khó khăn trước bàn thờ bố tôi, và luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng bố tôi biết hết mọi chuyện.
Về yếu tố kỹ thuật, bộ ảnh “Nỗi nhớ” có sự gắn kết chặt chẽ các bức ảnh với nhau, từ ảnh đầu đến ảnh cuối, để kể câu chuyện rõ ràng, mạch lạc.
- Anh có thường mất rất nhiều thời gian tư duy để tìm ra chủ đề cho các bộ ảnh của mình không, hay nó thường đến ngẫu hứng, tình cờ?
Tùy thuộc vào từng chủ đề. Như chủ đề “Mẹ tôi” là một suy nghĩ từ rất lâu, khi tôi luôn tự hỏi: Tại sao mình không chụp chính người thân trong gia đình. Và không ai bằng mẹ, với tất cả đức hy sinh, sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó không những là người phụ nữ của gia đình mà ở ngoài xã hội đã giàu nghị lực vượt lên thành một người thành đạt- PGS. TS Lê Thị Đức Hạnh với 7 công trình sách in riêng và trên 30 công trình in chung, nhận một số giải thưởng uy tín.
Có những chủ đề là ngẫu hứng như “Ký ức tình yêu” hay “Những câu chuyện cát”. Chủ đề “Tướng trận thời bình” nảy sinh từ lần chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng năm 2009. Nhưng tìm ra chủ đề rồi, lên kế hoạch triển khai thực hiện nó đòi hỏi phải dành thời gian tập trung suy nghĩ thấu đáo.
- Có phải đề tài nào ám ảnh anh nhiều thì sẽ mang đến nhiều thành công hơn?
Chủ đề nào tôi bị ám ảnh nhiều và luôn trở đi trở lại trong nhiều năm thì một lúc nào đó sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng khi tham dự một cuộc thi nào đó. Lẽ dĩ nhiên để đoạt giải luôn có yếu tố may mắn đi kèm.
- Có khi nào anh lo lắng đến một lúc nào đó, mình cạn kiệt, bất lực trong sáng tạo?
Sự bất lực, cạn kiệt ý tưởng từng xảy ra, cũng như tìm cảm hứng cho sáng tạo là điều không dễ. Chỉ có một cách là luôn phải làm mới mình bằng những chuyến đi, bằng việc thường xuyên cập nhật những xu hướng nhiếp ảnh đương đại trên thế giới, cũng như học hỏi thêm từ những ngành nghệ thuật có quan hệ gần gũi khác. Và nhiều khi phải luôn luôn bắt đầu lại từ đầu, phá bỏ cái cũ để thể nghiệm những ý tưởng mới.
Khắc sâu tình cảm gia đình
- Trong tay anh nắm giữ nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng dường như với anh vẫn chưa là đủ, còn đỉnh cao nào anh muốn vươn tới trong tương lai?
Thi ảnh chỉ là một dòng chảy không phải là dòng chủ lưu trong sự nghiệp một nhà nhiếp ảnh. Vì kết quả cuộc thi chỉ là sự quyết định của một ban giám khảo. Nhưng tôi không thể không thi vì có thi tôi mới biết chính xác (mà không ngộ nhận) mình đang ở đâu và còn phù hợp hay bắt kịp dòng chảy của nhiếp ảnh đương đại thế giới không, hay đã bị lạc hậu. “Già đầu” như nhiếp ảnh gia lừng danh thế giới như Ed Kashi còn dự thi, để ngay học trò mình chấm, có năm thắng, có năm thua, nhưng ông “già gân” này chứng tỏ mình luôn sẵn sàng.
- Anh tự lựa chọn đến với nghề báo, nhiếp ảnh hay do ảnh hưởng từ người mẹ - PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, hay người cha - nhà nghiên cứu sân khấu Trần Việt Ngữ?
Khi tôi tốt nghiệp đại học còn lúng túng thì bố tôi khuyên nên đi làm phóng viên viết báo vì thời gian được tung tẩy, được đi nhiều nơi. Chính bố tôi cũng là người dạy tôi nhiều về lý luận sân khấu, sửa những bài đăng báo đầu tiên của tôi khi cho tôi đi xem kịch cùng ông. Mẹ tôi cũng luôn đọc những bài tôi viết, góp ý từng câu chữ và cả bố mẹ tôi đều luôn động viên, ủng hộ tôi về những lựa chọn trong nghề báo hay đến với nhiếp ảnh của tôi.
Bố mẹ cũng là người luôn chia vui và động viên, tạo thêm động lực, cảm hứng cho tôi tự tin trên đường sáng tạo. Còn anh trai tôi (Trần Văn Việt sau này nghệ danh Trần Việt Dũng) là người dạy tôi chụp ảnh đầu tiên và đem lại cho tôi cảm giác thú vị khi cầm máy.
- Xin cảm ơn anh Việt Văn!
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn sở hữu rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trên thế giới, nếu liệt kê ra có lẽ tới gần con số 70 giải thưởng quốc tế và trong nước. Các tác phẩm của anh luôn mang chất thơ, giàu cảm xúc và gợi những liên tưởng thú vị với những câu chuyện hấp dẫn ẩn chứa bên trong. |