pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà máy thép thành khu đô thị nghìn tỉ ở Thái Nguyên: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo thanh tra
Tiếp tục thanh tra, báo cáo Thủ tướng trong quý IV/2019
Về việc này, ngày 12/8/2019, Văn phòng Chính phủ đã công văn số 7143/VPCP-V.I, gửi Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, như sau: "Thanh tra Chính phủ bổ sung nội dung thanh tra, xử lý các nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của bà Vũ Thị Kiều Oanh về việc thu hồi đất của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng cho Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép, nhưng sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng Dự án khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) tại phường Gia Sàng, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên trong quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2019".
Như bài báo trước chúng tôi đã nêu, sau khi trúng đấu giá tài sản tại Công ty Cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng (Cty Gia Sàng), Công ty CP Thương mại Thái Hưng (Cty Thái Hưng) đã không thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo, khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động như cam kết ban đầu.
Cụ thể, chỉ 6 tháng sau thương vụ ký kết bàn giao tài sản giữa Cty Gia Sàng với Cty Thái Hưng, Cty Gia Sàng một lần nữa phải đóng cửa không hẹn ngày tái sản xuất. Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi, đằng sau việc hợp tác đó có thực chất là vực dậy tên tuổi cho Cty Gia Sàng hay chỉ là bước khởi động cho thương vụ khác của Cty Thái Hưng?
Và câu trả lời ngày càng rõ ràng, đó là: Cty Thái Hưng đã xin chuyển đổi lô đất gần 22ha từ đất công nghiệp sang đất ở để xây dựng khu đô thị, khu dân cư, biến khu đất trước đây thuộc về Cty Gia Sàng thành khu đô thị nghìn tỷ có tên Thái Hưng Eco City.
Sẽ chẳng đáng nói nếu như tất cả những việc làm trên đều đúng cam kết và đúng quy định pháp luật. Nghĩa là, nhà đầu tư thực hiện dự án di dời, cải tạo nâng cấp Nhà máy cán thép Gia Sàng lên 500.000 tấn/năm theo đúng như Văn bản số 1102/TH ngày 2/10/2017 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, các sở, ngành liên quan của Công ty Thái Hưng về việc "đề nghị thực hiện dự án".
Và thêm một điều kỳ lạ nữa là UBND tỉnh Thái Nguyên cũng khá "sốt sắng" trong việc ra văn bản giao đất cho Cty Thái Hưng triển khai thực hiện dự án xây dựng khu đô thị ngay trên mảnh đất của Cty Gia Sàng, khi mà doanh nghiệp này đến giờ vẫn chưa thể phá sản theo luật…
Lật lại lịch sử sẽ thấy: Sau khi chuyển sang cổ phần hóa, Cty Gia Sàng rơi vào cảnh nợ nần, thiết bị cũ, hỏng không thể sản xuất, bị ngân hàng siết nợ với con số hàng chục tỷ đồng.
Tìm lối ra cho doanh nghiệp, sau nhiều cuộc họp bàn thảo, tỉnh Thái Nguyên và các ngành chức năng, ngân hàng… đã đi đến thống nhất bán đấu giá tài sản Cty Gia Sàng để trả nợ; đồng thời tìm nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết với ngành sản xuất thép để khôi phục nhà máy.
Theo đó, một trong những điều kiện tiên quyết để trúng đấu giá tài sản của Cty Gia Sàng mà tỉnh Thái Nguyên đặt ra lúc bấy giờ (năm 2016) là nhà đầu tư trúng đấu giá ngoài việc đảm bảo các yếu tố về tài chính, chuyên môn thì phải cam kết đầu tư xây dựng, cải tạo, khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Gần 40% cổ phần của Nhà nước trong Cty Gia Sàng đã biến mất?
Sau khi cổ phần hóa vào năm 2007, Cty Gia Sàng có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó, vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của một cá nhân cổ đông 41%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%.
Trong Đề xuất dự án đầu tư gửi tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng, Cty Thái Hưng nêu rõ: "Tháng 7 năm 2016, Công ty Thái Hưng đã tham gia mua đấu giá tài sản Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng thông qua Chi cục Thi hành án dân sự TP Thái Nguyên và trúng đấu giá theo Thông báo số 219/TB-ĐGTS ngày 11/7/2016 của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Thực hiện đúng các cam kết về điều kiện khi tham gia đấu giá: Đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương. Ngay sau khi nhận bàn giao tài sản, Công ty Thái Hưng đã lập dự án chi tiết về việc xây dựng sửa chữa cải tạo và khôi phục sản xuất, đồng thời thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án".
Trong "Phương án di dời Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng" vào năm 2016, nhà đầu tư khẳng định "Dự án nâng cấp, cải tạo và di dời nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng đến địa điểm phù hợp với quy hoạch và nâng cấp công suất từ 12.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm hoàn toàn có tính khả thi và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 300 cán bộ công nhân viên của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã và đang nghỉ chờ việc như hiện nay"…
Cũng trong văn bản này ghi rõ: "Một yêu cầu được các bên có quyền lợi liên quan đến khối tài sản của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên đưa ra là: Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất".
Văn bản cũng khẳng định: "Công ty CP Thương mại Thái Hưng là doanh nghiệp trúng đấu giá và có thể đáp ứng được các yêu cầu nói trên, cam kết sau khi mua được toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất sẽ không tháo dỡ tài sản là thiết bị, tư liệu sản xuất mà tiếp tục đầu tư để tái sản xuất thép cán…".
Thế nhưng, trên thực tế thì chỉ một thời gian ngắn sau, chính Cty Thái Hưng đã vi phạm cam kết nói trên và đến thời điểm này, hàng trăm lao động của Cty Gia Sàng đã phải lay lắt nhiều năm vì không có việc làm. Còn khu đất gần 22ha của Cty Gia Sàng trước đây đã biến thành Khu đô thị Thái Hưng Eco City.
Hiện tại, "Đề xuất dự án đầu tư" vẫn chỉ nằm trên giấy. Thậm chí, toàn bộ phần tài sản là khung, xưởng, thiết bị trong dây chuyền sản xuất cũ của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sau khi được tháo dỡ để… dành đất xây nhà ở, cũng đã bị phân tán đến nhiều nơi. Địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng công suất 500.000 tấn/năm cũng vẫn đang là… dự kiến.
Có thể thấy, việc Cty Thái Hưng sau khi "thôn tính" xong Cty Gia Sàng, có được quyền về tài sản và quyền sử dụng đất đã "bẻ kèo" ngoạn mục đối với người lao động, các cơ quan chức năng và tỉnh Thái Nguyên. Vậy nhưng, UBND tỉnh Thái Nguyên không những không có hành động nào để chấn chỉnh những sai phạm của Cty Thái Hưng, mà còn có nhiều dấu hiệu tạo điều kiện để Cty Thái Hưng thực hiện Dự án Thái Hưng Eco City.
Đã gần hết quý IV/2019, cũng gần hết thời hạn mà Phó Thủ tướng Thường trực giao cho Thanh tra Chính phủ xem xét tố cáo của bà Vũ Thị Kiều Oanh về Cty Gia Sàng, báo cáo Thủ tướng. Hy vọng rằng, những khuất tất trong vụ việc này sẽ sớm được làm sáng tỏ.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin.