Nhà nữ toán học đầu tiên trên thế giới và kết cục bi thương

08/04/2017 - 08:00
Hypatia được xem là nhà toán học nữ đầu tiên trên thế giới, đồng thời là chuyên gia thiên văn học, triết học, vật lý. Tuy nhiên, cuộc đời bà lại phải chịu kết cục đau đớn, bi thương.

Hypatia sinh vào khoảng năm 370 sau công nguyên tại Alexandria, Ai Cập. Cha của bà là Theon, một học giả lẫy lừng và thủ thư cuối cùng của thư viện nổi tiếng Alexandria. Khác với phụ nữ cùng thời, Hypatia được giáo dục ở cấp cao nhất và nghiên cứu về toán, thiên văn dưới sự hướng dẫn tận tình của cha và triết gia Hy Lạp Plutarch.

Bà cùng cha thực hiện các bài bình luận về những công trình toán học cổ điển, dịch và kết hợp ghi diễn giải. Đồng thời, bà cũng thực hiện các bài bình luận của riêng mình và giảng dạy cho nhiều sinh viên tại nhà. Tại quê hương, nhà toán học nữ đầu tiên của thế giới nổi tiếng với trí tuệ siêu phàm. Khi Hypatia dạy học, rất nhiều học sinh từ phương xa đổ về chỉ để nghe bà giảng giải.

 Chân dung Hypatia - nhà toán học nữ đầu tiên trên thế giới.

Sự ham học hỏi cùng khả năng tuyệt vời của Hypatia giúp bà có một vị trí tại thư viện Alexandria, nơi cha bà làm việc. Từ đây, Hypatia chịu ảnh hưởng của học thuyết do triết gia Hy Lạp Plato sáng lập.

Ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, nhà nữ toán học, thiên văn học và triết gia Hy Lạp tài năng này đã từng là người đứng đầu Trường Neoplatonic ở Alexandria và là một người thầy được kính trọng.

Dù phần lớn tác phẩm của Hypatia bị thất lạc, bà vẫn được biết đến với những sáng tác đa dạng về lĩnh vực, gồm cả toán học và thiên văn. Người phụ nữ Ai Cập cũng được cho là người phát triển công cụ đo độ cao thiên thể (tính thời gian trong ngày dựa vào vị trí của các thiên thể).

Tài năng là thế song Hypatia lại phải chịu một số phận vô cùng bi thảm. Thời đại của Hypatia diễn ra cuộc thanh trừng tà giáo của đạo Thiên Chúa, trong đó, lên đến đỉnh điểm là sự đối đầu giữa Orestes - người đứng đầu Alexandria và Cyril - giám mục của Alexandria. Orestes - một người theo thuyết đa thần đã phản đối cách tiếp cận có phần cực đoan của đức giám mục với những người không theo đạo Thiên Chúa. Hypatia đã lên tiếng ủng hộ Orestes.

Một bộ phận dân chúng Thiên Chúa giáo đã kết tội bà theo tà giáo và cho rằng bà gây ra sự rạn nứt giữa tín đồ Thiên Chúa và những kẻ ngoại đạo. Lo sợ mức độ ảnh hưởng của Hypatia tới dân chúng, đức giám mục chỉ trích bà về cách giảng dạy dị giáo và biến nhà toán học nữ thành mục tiêu đàn áp của những người theo đạo Thiên Chúa ở Alexandria.

 Tranh vẽ cảnh Hypatia bị những người cuồng tín lôi trên đường phố Alexandria.

Tháng 3/415 sau công nguyên, Hypatia bị chặn lại khi đang ngồi trên xe ngựa qua thủ đô Ai Cập. Đám đông dẫn đầu bởi một nhân vật có tên Peter đã kéo Hypatia ra khỏi xe ngựa và đưa bà đến nhà thờ lớn ở Caesareum.

Người phụ nữ khốn khổ phải chịu những sự tấn công tàn bạo và đẫm máu. Xác bà bị kéo qua các con phố và sau đó bị thiêu rụi. Lo sợ hành động quá khích của đám đông, nhiều học trò của Hypatia đã bỏ chạy tới Athens.

Có rất ít thông tin về nhà toán học nữ đầu tiên trên thế giới, song cái chết đau đớn của Hypatia dưới tay những kẻ cuồng tín cũng đủ chứng tỏ trí tuệ siêu phàm cũng như tầm ảnh hưởng to lớn của bà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm