Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Con là sự tái sinh màu nhiệm”

Chi Mai (Thực hiện)
07/12/2023 - 18:32
Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Con là sự tái sinh màu nhiệm”
Hàng chục năm theo đuổi nghề viết với nhiều thể loại khác nhau, từ biên soạn, thơ, truyện dài…, nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc ở tuổi ngoài 60 còn là người đàn ông của gia đình, yêu đứa gái đầu lòng của mình đến mức, khi anh viết "Từng ngày cha mẹ thở theo con" (tác phẩm được trích vào đề thi vào lớp 10 tại TPHCM), nhiều người cho rằng, "tác phẩm" vĩ đại nhất của nhà thơ chính là con gái.

PV: Từng có nhiều sáng tác viết cho tuổi mới lớn, tuổi chớm yêu, vì sao gần đây anh không viết mảng đề tài này nữa?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Trong lúc nào, viết cái gì, đề tài gì là tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cảm hứng của chính mình. Nay, nhìn lại 10 tập thơ đã xuất bản, nếu ai tinh ý sẽ nhận ra tâm trạng của tôi trong mỗi thời điểm rất rõ nét. Nay, tôi không viết những bài thơ nói chung dành cho tình yêu đôi lứa nữa, đơn giản là tôi không còn yêu bất kỳ một nhan sắc nào - ngoài đứa con bé bỏng lên 5 tuổi của mình. Khi viết lách, cái nghề viết lách để sống, người ta có thể che giấu cái tôi nhưng với thơ thì không thể. Do không thật sự có cảm hứng nên tôi ngưng viết đề tài về tình yêu nữa là vậy.

PV: Lê Minh Quốc không chỉ là nhà thơ có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa mà còn nhiều lần được trích tác phẩm làm ngữ liệu trong cách đề thi. Hình như tác phẩm của anh có duyên với học sinh?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Con là sự tái sinh màu nhiệm”- Ảnh 1.

Lê Minh Quốc và con gái

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Điều này có lẽ đúng. Bởi đã không ít lần tôi phải trả lời, giải thích cho các bạn học sinh về bài thơ "Định nghĩa về đất nước". Bài thơ này đã được nhiều trường trung học phổ thông ở thành phố Đà Nẵng, TPHCM, Phú Yên… chọn làm đề của kỳ thi trong năm học. Và bên cạnh đó, còn là những bài thơ khác. Sở dĩ, có duyên bởi có lẽ do các thầy cô giáo nhận thấy những bài thơ đó phù hợp với chủ đề giảng dạy trong sách giáo khoa.

PV: Nhiều người thấy từ khi có bé Mì, "ông bố quốc dân" Lê Minh Quốc không chỉ làm việc nhiều gấp đôi mà nhất cử nhất động của Mì cũng nên thơ. Con gái có ý nghĩa như thế nào đối với anh trong đời sống và sáng tạo?

Lê Minh Quốc sinh ngày 1/8/1959 tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Anh là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2020-2025). Lê Minh Quốc còn là người dẫn nhiều chương trình ra mắt sách biên khảo, sách văn học có duyên cộng tác với các nhà xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Đó chính là lúc tôi nhìn thấy chính tôi được tái sinh lần nữa, qua hình hài, tiếng nói, cười, khóc rất đỗi trẻ con của con mình. Suy nghĩ này không là riêng tôi, bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng nhìn thấy họ qua con của họ. Ấy là sự "tái sinh màu nhiệm". Ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất đối với tôi vẫn viết mỗi ngày cho con, luôn tìm thấy cảm hứng trong sáng tạo và đời sống, còn vì lý do riêng: khi tôi 80 tuổi, bé Mì mới 20 tuổi. Thế thì những gì cần trò chuyện lúc con từng ngày vui sống cho đến lúc trưởng thành, tôi phải bắt đầu từ ngày hôm nay, không còn cách nào khác, không thể chờ đợi đến lúc đó như mọi người khác.

PV: Là người luôn thấy được tình yêu và sự háo hức với nghề như thuở ban đầu, theo anh, cần có bí quyết gì để giữ được tình yêu với chữ nghĩa?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Đây là một câu hỏi lớn. Chỉ xin được chia sẻ ngắn gọn: Tình yêu dành cho chữ nghĩa, tự mình bao giờ cũng cảm thấy mới mẻ như cái thuở ban đầu mới vào nghề. Đừng ỷ đã theo nghề lâu năm mà cẩu thả, rẻ rúng chữ nghĩa. Sống với nghề viết, theo tôi, là công việc nhọc nhằn, may thay, trong từ "nhọc nhằn" ấy chúng ta lại tìm thấy niềm vui. Vui là bởi thỏa mãn chính mình, chứ không vì gì khác, không vì ai khác.

Đã có lần tôi cũng muốn "rửa tay gác bút", không còn phải từng ngày nhọc nhằn nữa nhưng tôi lại nghe trong tôi vọng lên lời thì thầm: "Có phải lúc mới vào nghề, bạn đã tâm nguyện còn thở là còn viết, đúng không?". Đúng quá. "Sao bây giờ lại bỏ viết? Có phải, bạn đã hết thở?". "Ồ, không đâu. Tôi vẫn còn thở". "Tốt quá. Vậy, hãy tiếp tục viết đi". Với người viết chuyên nghiệp, tiếng nói ấy luôn thường trực trong máu thịt như một "bí kíp" đó thôi.

PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm