Nhà thơ Nguyễn Phong Việt kể chuyện... đi buôn

08/11/2018 - 05:30
‘Những lúc công việc kinh doanh bận rộn lại là những lúc tôi hay viết nhất. Đặc biệt là những lúc stress thì việc viết xuống giống như một cách giải tỏa tâm lý rất tốt’ - nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ.

Vợ là người “mở đường” kinh doanh

Điều gì đã khiến một nhà thơ như Nguyễn Phong Việt chuyển hướng kinh doanh?

Thật ra, công việc kinh doanh của tôi bắt đầu từ bà xã Thanh Xuân. Bà xã là người rất giỏi trong kinh doanh, trong khi tôi có thế mạnh về việc làm truyền thông và nghĩ ra các ý tưởng. Hiện tại, công việc kinh doanh của tôi và bà xã chủ yếu là xoay quanh các hoạt động của công ty SkyGen Group. Chúng tôi kinh doanh ở 3 lĩnh vực chính là mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm sức khỏe. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư về tài chính, làm sách với thương hiệu sách Tân Thư, làm thiện nguyện với doanh nghiệp xã hội Rainbow Foundation - Quỹ Cầu Vồng… Thú thật là việc kinh doanh đến với tôi theo lẽ tự nhiên là đến lúc bà xã thiếu người và cần người hỗ trợ, đặc biệt là với những dự án đòi hỏi sự phát triển bền vững và dài lâu.

viet.jpg
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt 

Những người xung quanh anh, đặc biệt là giới văn chương, có phản ứng gì không khi anh bước vào kinh doanh?

Ngay từ khi tôi bước chân vào nghề báo từ những năm 2002, tôi cũng đã tập quen với công việc làm truyền thông và nội dung cho các chiến dịch của các nhãn hàng sản phẩm. Thế nên, bạn bè và đồng nghiệp nói chung cũng không bất ngờ lắm. Chỉ là mọi người vẫn hay đùa là tôi đang làm quá nhiều việc và ôm đồm rất nhiều thứ đôi khi rất tréo ngoe với nhau. Ngoài ra thì mọi người đều ủng hộ và thật sự mà nói những mối quan hệ bạn bè trong giới truyền thông đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những hoạt động kinh doanh cần quảng bá. Tôi luôn trân trọng và biết ơn những tình cảm ấy.

Mỗi ngày, nhà thơ Nguyễn Phong Việt phải tất bật trong vai trò “con buôn” như thế nào nhỉ?

Công ty SkyGen Group hiện tại có hơn 50 nhận sự. Công việc đều phân chia rất rõ ràng theo hướng chuyên môn hóa. Tôi không làm chi tiết nhiều mà tập trung vào việc sáng tạo ra các ý tưởng, lên kế hoạch cũng như cam kết hiệu quả công việc thông qua những kế hoạch đó. Ngoài ra, tôi cũng “truyền lửa” cho các bạn nhân viên để cùng nhau làm công việc một cách tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong các hoạt động của công ty, tôi vẫn xuống cửa hàng bán hàng như rất nhiều nhân viên bán hàng khác. Thứ nhất, đó là cách để mình hòa đồng với các nhân viên. Thứ hai là để các nhân viên thấy bán hàng là một việc rất khó và khi tôi làm được thì không lý gì với vai trò của mình, các bạn lại không làm tốt. Thứ ba là công việc đó cho mình những trải nghiệm để hiểu hơn về khách hàng, giúp cụ thể hóa các kế hoạch kinh doanh trong tương lai.  

“Nhà thơ kinh doanh bất lợi hơn nhiều”

Thực lòng, chuyện kinh doanh có ảnh hưởng gì đến việc sáng tác của anh?

Tôi vẫn viết đều đặn, chỉ là viết rất chậm. Thành ra, mỗi năm chỉ dám cam kết với độc giả là sẽ có 1 cuốn sách mới vào dịp Giáng sinh. Công việc kinh doanh thì bận rộn và nó luôn là những con số gây nhức đầu. Trong khi chữ nghĩa thì cần không gian để chiêm nghiệm và thư giãn. Tuy nhiên, tôi lại thuộc tuýp người khá kỳ lạ. Những lúc công việc kinh doanh bận rộn lại là những lúc tôi hay viết nhất. Đặc biệt là những lúc stress thì việc viết xuống giống như một cách giải tỏa tâm lý rất tốt. Tôi là người viết thiên về cảm xúc nên không mong gì mình sẽ viết nhanh. Chỉ là viết đúng những cái mình nghĩ, trải nghiệm và thu nhặt từ thế giới chung quanh.

nguyn-phong-vit-ch-o-nhn-vin.jpg
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt trong vai trò là một doanh nhân 

Theo anh, việc một nhà thơ kinh doanh có lợi thế và cả áp lực so với những doanh nhân khác như thế nào?

Tôi nghĩ bất lợi hơn nhiều vì mọi người hay nghĩ những người làm văn chương thì đầu óc hay để trên mây. Nhưng may mắn của tôi là khởi nghiệp bằng nghề báo, cái nghề cho tôi sự suy xét, đặt vấn đề, thấu hiểu người đối diện… giúp cho mình thực sự tỉnh táo khi kinh doanh và hoàn toàn rất sợ sự ảo tưởng. Tôi là người sống bằng thực tế rất nhiều.

Niềm vui của việc kinh doanh có khác nhiều so với chữ nghĩa?

Mỗi công việc đều có một niềm vui khác nhau. Với văn chương là khi mọi người cầm cuốn sách của mình lên và không cảm thấy thất vọng, chia sẻ những câu chữ của mình trên mạng xã hội của họ như một sự đồng cảm… Đặc biệt là số lượng bản sách của mình phát hành ra tăng lên rất nhiều.

Còn công việc kinh doanh là đo đếm bằng doanh thu và lợi nhuận. Mỗi kế hoạch mình nghĩ ra khi cả team cùng thực hiện mang lại hiệu quả rõ ràng về doanh thu lẫn nhận diện thương hiệu. Mọi người đều phấn khích khi bắt tay cùng nhau làm và chờ đợi để bước vào những “cuộc chiến” mới với những sản phẩm hay kế hoạch mới…

Cả hai thứ niềm vui ấy tôi đều muốn tận hưởng nó một cách trọn vẹn.

nguyn-phong-vit-v-inh-trn-khnh-ngn.jpg
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt và Hoa hậu Hoàn cầu 2017
Đỗ Trần Khánh Ngân trong một sự kiện do anh tổ chức  

Có bao giờ anh nghĩ sẽ dứt hẳn văn chương tập trung cho kinh doanh hay ngược lại, bỏ kinh doanh để sống chết với văn chương?

Tôi là người tỉnh táo và ngay từ đầu, tôi xem văn chương là một cái duyên định mệnh, là may mắn được Tổ đãi và cũng không biết đến bao giờ thì cái duyên ấy sẽ cạn. Nên còn viết được, người đọc còn chờ đợi thì mình còn vui chứ không chắc mình sẽ đi bao xa với văn chương. Đó là sự thật.

Trong khi việc kinh doanh thì là cơm áo gạo tiền mỗi ngày của mình và của rất nhiều con người đang cùng ngồi trên chiếc thuyền chung. Tôi thích kinh doanh và tôi nghĩ sẽ vẫn chọn văn chương là lẽ sống của mình dù như thế nào trong tương lai.

Xin cảm ơn anh!

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980 ở Tuy Hòa, Phú Yên. Anh được coi là “hiện tượng xuất bản Việt Nam” khi mỗi tập thơ phát hành tới nhiều vạn bản. Mỗi lần Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ mới đều tạo nên một cơn sốt đối với độc giả. Thơ anh đã có tới gần 150.000 bản in được bán ra trên thị trường với 6 tập: Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Sống một cuộc đời bình thường, Về đâu những vết thương, Sao phải đau đến như vậy. 

Điều đặc biệt là Nguyễn Phong Việt thường sáng tác và đăng những bài thơ của anh lên trang cá nhân trước khi xuất bản. Theo anh chia sẻ, mạng xã hội là một phần không thể thiếu với những sáng tác của mình. Chính nhờ những phản hồi, sự đón nhận tích cực từ cộng đồng mạng đã tiếp thêm cho anh sự tự tin để in và phát hành sách trong giai đoạn thơ rất khó tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.

Bà xã của Nguyễn Phong Việt cũng là một nhà thơ – Lê Thị Thanh Xuân. Chị từng là phóng viên, biên tập viên báo Thể thao & Văn hóa và từng giành ngôi Á hoàng một cuộc thi tài sắc giành cho nữ doanh nhân.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm