Nhà thuốc vô tư vi phạm về bán kháng sinh vì mức phạt thiếu răn đe

01/12/2017 - 14:52
Theo quy định, việc mua bán thuốc kháng sinh phải theo đơn của bác sĩ, nếu không sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế rất ít trường hợp bị xử lý.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có 700.000 người trên thế giới chết do kháng thuốc kháng sinh. Con số này sẽ tăng lên khoảng 10 triệu người vào năm 2050, tức 3 giây lại có một trường hợp tử vong, nhiều hơn so với ung thư. Còn tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc kháng sinh cũng đáng báo động. 

Tại Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh được quy định khá nghiêm ngặt. Ngành y tế đã có nhiều văn bản quy định về bán thuốc kê đơn, thậm chí hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc còn là hành vi bị nghiêm cấm.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 40 của Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Cảnh cáo, phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục “thuốc bán theo đơn” mà không có đơn của bác sĩ. Đối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

20130815thuockhangsinh.jpg
Nhiều hiệu thuốc bán kháng sinh, không căn cứ theo đơn của bác sĩ. Ảnh mang tính minh họa

Quy định là thế, nhưng thực tế thì lại khác. Người dân không khó khi đến các hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh mà chẳng cần đơn, thậm chí nhân viên bán thuốc còn nhiệt tình tư vấn nên dùng loại kháng sinh nào.

Chị Nguyễn Thị Loan, chủ một hiệu thuốc cho biết, hầu hết hiệu thuốc đều biết quy định của Bộ Y tế nhưng không thực hiện. Lý giải điều này, chị Loan cho rằng, một quầy thuốc nếu đầu tư cũng phải trên 200 triệu đồng, còn hiệu thuốc và nhà thuốc thì chi phi đầu tư lớn hơn. Nếu ai đến mua cũng hỏi đơn và không bán thì họ lại sang của hiệu khác dẫn đến mất khách và nguồn thu giảm.

Trong khi đó, hiệu thuốc còn nhiều chi phí phải chi như thuê nhân viên, tiền thuê mặt bằng, thuế và các khoản phí khác. Hơn nữa, mức phạt cũng không lớn, thậm chí chỉ bằng giá bán một vỉ thuốc kháng sinh. Vì vậy, cứ có khách mua thuốc là bán.

“Nếu bị kiểm tra, chúng tôi chấp nhận nộp phạt để tồn tại vì người dân không có thói quan mang đơn thuốc đi mua thuốc. Nếu không, hiệu thuốc sẽ sớm bị đóng cửa”, chị Loan nói.

Ông Đoàn Dũng Chiến, Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế Thanh Hóa cũng thừa nhận, việc mua bán kháng sinh không có đơn đang là một trong những vấn đề "nóng" hiện nay. Nguyên nhân một phần là do thói quen của người dân tự dùng thuốc, còn các cửa hàng thì biết rõ việc bán không có đơn là sai những vẫn làm vì liên quan đến lợi nhuận. Tuy nhiên, cái khó để có thể chấn chỉnh tình trạng này đó là việc chế tài xử phạt quá nhẹ, chỉ từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng cho một lần phạt nên không đủ sức răn đe.

"Hơn nữa, quy định của Bộ Y tế không thanh kiểm tra quá 1 lần trong 1 năm cùng một nội dung. Không những vậy, trước khi xuống kiểm tra, nguyên tắc là phải báo trước nên họ có sự chuẩn bị. Mình có mặt ở đó thì họ lại không bán khi có khách đến mua thuốc mà không mang theo đơn”, ông Chiến cho biết thêm.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nguyên nhân của tình trạng trên là do việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó, số lượng nhà thuốc quá lớn trên địa bàn với cơ cấu nhân lực của cơ quan quản lý còn hạn chế cũng là một trong những khó khăn được đưa ra. Ngoài ra, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm