Nhà trường dừng tổ chức dạy thêm, học thêm: Phụ huynh, học sinh cuống cuồng tìm lớp mới

Bài, ảnh: Thu Anh
12/02/2025 - 14:03
Nhà trường dừng tổ chức dạy thêm, học thêm: Phụ huynh, học sinh cuống cuồng tìm lớp mới

Nhiều học sinh lo việc dừng dạy thêm trong nhà trường sẽ khiến các em gặp khó trong ôn tập cho các kỳ thi sắp tới. Ảnh minh họa

Trước khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, hàng loạt trường học đã chấm dứt hoạt động này và gây ra không ít lo lắng đối với phụ huynh, học sinh.
Học sinh cuối cấp lo tìm lớp học thêm

Trước sức ép về kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, em Nguyễn Minh Hoàng, học sinh THPT ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), cho biết, em đang lo lắng khi nhà trường đã tạm dừng bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp để chờ điều chỉnh. 

Các thầy cô đứng lớp cũng không được dạy thêm học sinh của mình, trong khi các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường đều khá xa nhà. Việc làm sao tranh thủ thời gian ôn thi để có thể thi được vào trường đại học mình mong muốn là điều Hoàng rất băn khoăn.

Cũng như Hoàng, nhiều bạn cùng khối với em đều tính đến chuyện phải nhanh chóng tìm lớp học thêm mới để có thể yên tâm "luyện đề" và tự tin bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 14/2/2025) quy định 3 đối tượng được dạy thêm học thêm trong trường nhưng không thu tiền gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn cuối cấp. Với đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/tuần.

Đối với quy định nhà trường không được thu tiền học thêm của học sinh, hiệu trưởng các trường phổ thông tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác đều băn khoăn đặt ra câu hỏi: Nếu không thu tiền thì trường lấy nguồn nào để trả công giáo viên? Giáo viên đi dạy không có thù lao thì liệu có bảo đảm chất lượng dạy học?

Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Hoàng Chí Sỹ cho biết, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhà trường đã quyết định tạm dừng các lớp bồi dưỡng kiến thức trong nhà trường. 

Tuy nhiên, ông Sỹ cho rằng, việc dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường thời điểm này gây bất cập cho nhiều phía: nhà trường, phụ huynh, học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Đặc biệt là mức phí học thêm trong nhà trường đang áp dụng rất phù hợp với điều kiện của nhiều phụ huynh. 

Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng cho biết, thực hiện Thông tư và hướng dẫn cũ, trường đang thu mức 7.000 đồng/tiết học thêm; tương ứng 21.000 đồng/buổi. Nếu học thêm ở các trung tâm ngoài nhà trường, mức phí ít nhất là 30.000 đồng/tiết mà chất lượng khó kiểm định. Trong khi đó, không ít khu vực ngoại thành chưa có trung tâm dạy thêm.

Bộ GD-ĐT cần rà soát và đưa ra giải pháp

Theo Văn phòng Chính phủ, quy định mới về dạy thêm, học thêm nhận được nhiều sự đồng tình, song còn không ít băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm là do chương trình học tập nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến. 

Hiện, chương trình, sách giáo khoa, kỳ thi tốt nghiệp THPT, cách xét tuyển đại học đều mới, tỷ lệ "chọi" vào các trường đại học uy tín ngày càng khốc liệt. Học chỉ để phục vụ các kỳ thi nên dạy thêm, học thêm sẽ còn biến tướng. 

Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát, nắm bắt thông tin phản ánh để kịp thời có giải pháp xử lý.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chia sẻ với tâm tư của các nhà giáo khi lo lắng bị giảm thu nhập từ dạy thêm. Tuy nhiên, PGS.TS Cẩm Thơ cho biết, nhiều đồng nghiệp đã nhận thấy đây là cơ hội thay đổi trạng thái công việc của mình. 

Đặc biệt là quy định mới về dạy thêm, học thêm được đặt ra trong bối cảnh mức lương của giáo viên được tăng đồng loạt, nhiều địa phương tăng cường đầu tư cho giáo dục, giúp cho giáo viên có thể có thu nhập từ nguồn chi cho việc bồi dưỡng học sinh yếu kém, học sinh khá giỏi.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, khi giáo viên có nhu cầu và sức lao động sáng tạo thì có thể dạy thêm ngoài nhà trường với việc minh bạch công việc và đối tượng dạy thêm để có thu nhập chính đáng, tuân thủ đúng quy định. 

Theo dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội xem xét thì lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để giáo viên yên tâm với nghề, không phải phụ thuộc vào thu nhập từ dạy thêm; là nền tảng quan trọng trong việc triển khai quản lý dạy thêm, học thêm, trả lại sự trong sạch cho hoạt động này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm